CÂU CHUYỆN THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ NHÓM LỢI ÍCH (NHỊP CẦU ĐẦU TƯ)

Chúa Nhật, 26/02/2012 | 07:28 GMT+7
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ, đăng trên Báo Nhịp cầu đầu tư ngày 26/02/2012. Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2013 Việt Nam đã tiêu thụ hết 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ USD. Với mức tiêu thụ này một đất nước “nghèo” như Việt Nam nằm trong tốp 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới. 

Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2013 Việt Nam đã tiêu thụ hết 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ USD. Với mức tiêu thụ này một đất nước “nghèo” như Việt Nam nằm trong tốp 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới. Điều đáng nói là “anh nông dân hai lúa” Việt Nam xuất khẩu năm 2013 được 2,95 tỷ USD tiền gạo thì về anh “nướng” hết vào bia với đúng 3 tỷ USD! Trong khi đó tạp chí Thrillist của Mỹ đã xếp hạng bia ở Việt Nam rẻ nhất thế giới. Trong nhiều chuyến đi nước ngoài tôi thấy bia tại Việt nam thường rẻ hơn từ 3-5 lần so với các nước. Có thể thấy rõ sự liên kết giữa giá bia quá rẻ và sức tiêu thụ khủng khiếp của dân nhậu Việt. 

Câu chuyện tương tự đối với thuốc lá. Giá một bao thuốc cùng loại ở Đức đắt gấp hơn 7 lần tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: ở những nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, thuốc lá bị đánh thuế từ 65% đến 80%. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức thuế đối với thuốc lá cao nhất chỉ là 45%. Vừa qua, chính phủ dự kiến tăng thuế tiêu thụ đối với rượu, bia và thuốc lá. Việc tăng này là cần thiết và nhận được sự đồng tình của xã hội. Tuy vậy, mặc dù mức tăng được cho là khá thấp (thêm khoảng 15%) và thời hạn áp dụng khá muộn (dự kiến tận 1/7/2015 mới áp dụng) nhưng đã gặp phải sự phản kháng của các nhóm lợi ích. Gần đây tôi đọc các bài viết trên tờ TBKTSG nêu các ý kiến khác nhau về việc tăng thuế đối với rược bia, thuốc lá. Trong đó đặc biệt có bài viết về phát biểu của một Chủ tịch của hãng bia có sản lượng lớn nhất Việt nam hiện nay. Đây có thể nói là phản ứng đặc trưng của nhóm lợi ích khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Ông Chủ tịch này cho rằng việc nhà nước tăng thuế để tăng thu ngân sách là “tư duy kiểu du kích”. Tôi không rõ việc tăng thuế này giúp mỗi năm Nhà nước thu thêm vài nghìn tỷ đồng có được qui là “du kích” hay không mà chỉ xin lấy dẫn chứng ở một số nước tiên tiến. Ở Pháp đầu năm 2000 giá 1 bao thuốc lá Marlboro chỉ 2€, thế mà năm 2003 lên tới hơn 4€ do chính phủ Pháp đã tăng thuế mỗi năm. Và sau hơn 10 năm tới nay giá 1 bao Marlboro ở Pháp là 5,3€. Chính phủ Pháp tính toán rằng tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại cho nhà nước thêm mỗi năm một nguồn thu nhập là gần 1 tỷ €. Phần lớn số tiền bán thuốc lá ở Pháp chạy vào công quĩ. Đối với loại thuốc bán chạy nhất, theo mức tăng thuế mới, tiền bán được có đến 79% là lọt vào túi nhà nước, 13% tới tay nhà sản xuất và phân phối, còn chủ tiệm bán thuốc lá chỉ được hưởng 8%. Ở Nhật cũng là thí dụ, từ năm 2002 nhờ việc tăng thuế đối với thuốc lá, tiền thuế thu được tăng khoảng 19,5 tỷ USD mỗi năm, trong khi số người hút thuốc tại Nhật đã giảm đi khoảng 1/3. Có lẽ nếu các nước tiên tiến áp dụng kiểu “tư duy du kích” mà đem lại những lợi ích lớn lao cho xã hội và đất nước như vậy thì chắc ta cũng nên học tập. Ông Chủ tịch hãng bia còn cho rằng do tỷ suất lợi nhuận của các hãng bia nước ngoài tại Việt Nam lớn hơn hãng bia Việt nên khi tăng thuế làm thiệt hại các hãng Việt. Ông lấy hình tượng của cây sào 5m và 10m để so sánh khi nước sông lên. Khỏi phải bình luận về “lý thuyết kinh tế” này và đó là chưa nói tới việc sẽ có người đặt câu hỏi cùng trong một thị trường mà tại sao doanh nghiệp bia nước ngoài có lợi nhuận lớn vậy còn doanh nghiệp bia có sản lượng lớn nhất nước như ông lại thấp hơn hẳn họ. Ông Chủ tịch nên dùng hình ảnh “nước lên thì thuyền lên” sẽ đúng hơn trong trường hợp này để đưa ra chiến lược cạnh tranh. Cũng có ý kiến rằng tăng thuế là điều kiện vàng cho buôn lậu. Xin thưa rằng các nước có mức thuế cao hơn ta nhiều mà vẫn kiểm soát được buôn lậu. Đó là vì họ kiểm soát được đất nước hiệu quả thông qua hải quan, công an, quản lý thị trường,…. Còn việc tăng thuế để đem lại nguồn thu cho ngân sách là việc của Bộ tài chính, Tổng cục thuế. Ở một góc độ nào đó, hai việc này là độc lập! Lại có một ý kiến của ông Tổng Giám đốc hãng bia nước ngoài tại Việt Nam “dọa” rằng tăng thuế đối với rượu bia sẽ làm tăng CPI, lạm phát tăng. Thật khôi hài khi nhớ lại các năm vừa rồi, đất nước được đánh giá là có giá bia rẻ nhất thế giới này lại là một trong những nước dẫn đầu về lạm phát. Đứng đầu trong top 5 nước có giá bia rẻ nhất mà tạp chí Thrillist (Mỹ) đánh giá lần lượt là: Vietnam, Cambodia, Ukraine, Philippines và Ethiopia lại là những nước có tỷ lệ làm phát cao trên thế giới. Xét cho đến cùng khi một chính sách thuế của Nhà nước đưa ra sẽ ảnh hưởng lợi/thiệt cho các nhóm lợi ích có liên quan và phản ứng của họ là đương nhiên. Thí dụ về câu chuyện này tôi xin kể tiếp câu chuyện tăng thuế thuốc lá ở Pháp nói trên. Giới kinh doanh thuốc lá Pháp tức giận biện pháp tăng thuế của chính phủ đến mức phản ứng bằng cách đóng cửa toàn bộ các tiệm bán thuốc lá lẻ vào đúng ngày thuế suất mới bắt đầu được áp dụng. Tuy vậy Chính phủ Pháp không lùi bước, vì theo một cuộc thăm dò được công bố, gần phân nửa (48%) dân Pháp ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá và rượu bia để giảm thâm thủng của quĩ an sinh xã hội. Tác dụng về mặt y tế công cộng của việc tăng thuế thuốc lá đã được thấy rõ vì chỉ trong vòng 7 tháng sau khi áp dụng, mức tiêu thụ thuốc lá ở Pháp đã giảm 4,5 tỉ điếu. Ở Philippenes chính phủ đã có chủ trương tăng thuế đối với rượu, bia và thuốc lá từ năm 1997 và trình lên quốc hội. Tuy vậy các thế lực lợi ích của nước này đã vận động hành lang để làm trì hoãn chính sách này mất … 16 năm! Đến năm 2013 vừa rồi mới áp dụng được và đã đem lại cho Philippines mỗi năm 800 triệu USD . Câu chuyện  này cho thấy, đối với các nhà cầm cân nảy mực của đất nước, việc đưa ra một chính sách trước hết cần dựa trên quyền lợi của đất nước và người dân chứ không chỉ tập trung cho nhóm lợi ích nào đó. 
Sài Gòn, 20/04/2014
ĐinhHồng Kỳ
Bài viết được đăng trên tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 28/4/2014
http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=19825-thue-tieu-thu-dac-biet-va-cau-chuyen-nhom-loi-ich/vi-mo/


BÀI VIẾT liên quan

TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...
Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG