Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
Thứ năm, 12/01/2023 | 07:23 GMT+7
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ được đăng trên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn số báo xuân Quý Mão 2023, với tựa đề "Kinh tế tuần hoàn: Hành trình tới Net-Zero”
Đầu tháng 5/2022, doanh nghiệp chúng tôi nhận được bản yêu cầu “Khai báo lượng khí thải carbon” (carbon footprint questionaire) trong sản xuất từ khách hàng Pháp – một hệ thống bán lẻ lớn thứ 3 trên thế giới với gần 900 siêu thị phân phối vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất trên toàn cầu. Trong bối cảnh khái niệm “khai báo lượng khí thải carbon” còn là mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt Nam, phía bạn giải thích thêm: “Việc khai báo lượng khí thải carbon tại nhà máy trong quá trình sản xuất là một trong những hoạt động quan trọng nhằm giảm ô nhiễm, tạo ra Sản phẩm Tích cực (Positive Products) và góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây là hoạt động bắt buộc để các nhà sản xuất được phép tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi trong tương lai.”. Câu hỏi đặt ra với tôi khi đó là “Doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp của tôi nói riêng đang ở đâu trên con đường tới Kinh tế tuần hoàn?”.
Trong những năm qua, thế giới đã nói nhiều đến các khái niệm như “Kinh tế tuần hoàn”, “Phát triển bền vững”, “sản phẩm xanh”,… Các doanh nghiệp toàn cầu đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh dựa trên “17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030”. Trên cơ sở các mục tiêu của LHQ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Không chỉ bảo vệ khí hậu toàn cầu, các mục tiêu này còn hướng tới giải quyết nhiều thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt như như sự mất đa dạng sinh học, bất bình đẳng toàn cầu, biến đổi khí hậu do con người tạo ra, xây dựng các đô thị phát triển bền vững,…
Tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050. Thực hiện hóa các cam kết tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Khái niệm chung về KTTH và 10 cơ hội đầu tư tuần hoàn đối với doanh nghiệp
Đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế tuyến tính và là yếu tố tác động mạnh mẽ, thúc đẩy nhân loại cần cấp thiết xây dựng kinh tế tuần hoàn. Hoạt động của các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt đối với việc chuyển đổi từ từ mô hình tuyến tính (sản xuất – sử dụng – vứt bỏ) sang mô hình tuần hoàn (sản xuất – sử dụng – sửa chữa/tái chế/tái sử dụng). Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp là một chu trình vận hành khép kín nhằm giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, năng lượng làm nguyên liệu đầu vào, không tạo ra phát thải carbon và các chất gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không tạo ra rác thải ở cuối vòng đời sản phẩm mà thay vào đó sản phẩm được sửa chữa, quay vòng hoặc tái chế để bắt đầu một vòng đời tiếp theo.
Ở giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid, các chính phủ trên toàn thế giới đang và sẽ đầu tư những khoản tiền khổng lồ để kích thích nền kinh tế theo hướng xây dựng mô hình tuần hoàn. Mặc dù có rất nhiều cơ hội đầu tư giai đoạn phục hồi nhưng cũng cần xem xét các giải pháp đầu tư cần thiết nhất đề đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Theo tổ chức Ellen MacArthur Foundation, có 10 cơ hội chính trong việc đầu tư vào kinh tế tuần hoàn và được trải rộng trên năm lĩnh vực:
Xây dựng : Xây dựng các công trình đạt chất lượng để ở, tiết kiệm chi phí và ít các-bon, cơ sở hạ tầng tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tòa nhà
Giao thông: Định hình một hệ thống giao thông liên kết, ít carbon và có khả năng phục hồi. Cơ sở hạ tầng vận tải đa phương thức. Cơ sở hạ tầng tân trang, tái sản xuất và sửa chữa ô tô
Bao bì nhựa: Định hình một ngành công nghiệp bao bì nhựa cạnh tranh hơn, ít ô nhiễm hơn . Tạo các mô hình kinh doanh tái sử dụng sáng tạo cho bao bì nhựa. Cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế nhựa
Thời trang: Định hình một ngành công nghiệp thời trang ít carbon, thúc đẩy việc tái sử dụng. Mô hình kinh doanh cho thuê và bán lại quần áo. Cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế quần áo
Thực phẩm: Định hình một hệ thống thực phẩm phục hồi, lành mạnh và an toàn. Các công cụ giúp nông dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp tái sinh . Thu gom lương thực thặng dư và sản phẩm phụ, phân phối và định giá lương thực.
Lấy ví dụ về ngành xây dựng. Ngành xây dựng là một trong những ngành gây hại cho môi trường nhất trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nguyên liệu thô. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp Việt vẫn đang ở giai đoạn đầu. Trong bối cảnh này, một vai trò quan trọng trong tính tuần hoàn là “cải tạo và nâng cấp các tòa nhà ở cuối vòng đời sử dụng”. Việc này được hiểu là việc tháo dỡ có chọn lọc có cân nhắc kỹ lưỡng các bộ phận của tòa nhà, nhằm dự kiến việc tái sử dụng (toàn bộ hoặc một phần) hoặc tái chế trong tương lai. Đây là một giải pháp bền vững thay cho việc phá dỡ thông thường. Ở một nền kinh tế tuyến tính thì việc phá dỡ tòa nhà cuối vòng đời sử dụng có vẻ là giải pháp nhanh hơn và rẻ hơn nhưng nó thường tạo ra một lượng chất thải rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đi ngược lại với xu hướng tiến tới kinh tế tuần hoàn.
Chuỗi cung ứng xanh/bền vững trong nền KTTH
Để chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự tham gia và mối quan hệ chặt chẽ giữa tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng, bao gồm Nhà cung cấp phụ; Nhà cung cấp; Công ty; Khách hàng và Người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng cần nhận thức và hành động để thích ứng với việc chuyển đổi từ Chuỗi cung ứng tuyến tính (SCM) sang Chuỗi cung ứng xanh (GSCM) – nơi mà tài nguyên được giữ để sử dụng càng lâu càng tốt và giảm lãng phí ở mọi giai đoạn, từ thiết kế đến phân phối.
Sơ đồ Chuỗi cung ứng xanh (GSCM) trên đây thể hiện từng mắt xích trong mô hình tuần hoàn. Tất cả các mắt xích này đều cần nhận thức được sự chuyển đổi của bản thân tổ chức của mình từ “tuyến tính” sang “tuần hoàn”. Ngay từ khâu thiết kế ban đầu đã cần phải tính đến việc thiết lập nhà máy với tiêu chí tiết kiệm năng lượng, loại bỏ rác thải, giảm thiểu các yếu tố rủi ro cho môi trường , tăng cường chất lượng dịch vụ và sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất. Ở khâu thu mua, cung ứng cần nhấn mạnh vào tiêu chí chọn gói thầu với vật liệu xanh, không gây hại cho môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. Sản xuất – Đóng gói – Kho vận xanh là một hệ thống hiệu quả, không gây ô nhiễm hoặc lãng phí, sử dụng bao bì tài chế, xây dựng nhà kho sử dụng năng lượng mặt trời. Logistics xanh là hoạt động xuyên suốt trong chuỗi cung ứng cũng cần tính đến việc tính toán hiệu quả vận chuyển tối ưu, giảm thiểu khí thải carbon, giảm tiếng ồn,… Bất cứ một mắt xích nào trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được tiêu chí xanh – bền vững thì sẽ không thể thiết lập được chuỗi cung ứng tuần hoàn.
Quay trở lại với hệ thống phân phối tại Pháp, doanh nghiệp của tôi đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu này với những yêu cầu đặt ra rất khắt khe cho sản phẩm Gạch Ngói nghệ thuật Secoin. Để đảm bảo yếu tố xanh – tuần hoàn cho chuỗi cung ứng, phía bạn đặt ra chương trình “Sản phẩm tích cực” (Positive Products) dựa trên 5 cơ sở cốt lõi: (1) Sản phẩm an toàn cho con người và trái đất; (2) Làm từ các nguồn nguyên liệu tái tạo và tái chế bất cứ khi nào có thể; (3) Được sản xuất có trách nhiệm về quyền con người, quyền lao động và ngăn ngừa ô nhiễm; (4) Sản phẩm sử dụng lâu bền; (5) Thiết kế để cải thiện hiệu suất môi trường trong nhà, chẳng hạn như về sử dụng nước và năng lượng. Để đáp ứng được những tiêu chí này, chúng tôi cần xây dựng lộ trình chuyển đổi theo mô hình tuần hoàn trong mỗi công đoạn, từ thiết kế, phát triển sản phẩm, mua sắm nguyên vật liệu, sản xuất, đóng gói tới việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ logistics bên ngoài. Thách thức nhiều nhưng sẽ tạo ra cơ hội để sản phẩm của chúng tôi có chỗ đứng lâu dài và bền vững trong chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.
Những chương trình như chuỗi cung ứng của Pháp đang thực hiện cũng nằm trong khuôn khổ của châu Âu nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050 và áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU có thể tác động tới doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong tương lai. Các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ để ứng phó với quy định này của EU, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… xuất khẩu sang thị trường EU nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.
Cộng sinh công nghiệp
Mỗi doanh nghiệp có một cách tiếp cận riêng với mô hình kinh tế tuần hoàn để phù hợp với thực tế hoạt động của mình. Tuy nhiên, một giải pháp quan trọng nữa là “cộng sinh công nghiệp” để tạo ra cộng đồng doanh nghiệp tuần hoàn. Cộng sinh công nghiệp là một cách tiếp cận sáng tạo tập hợp các công ty từ các lĩnh vực kinh doanh khác nhau để xử lý chất thải thành năng lượng và/hoặc vật liệu, bao gồm cả nước. Nói một cách khác, ở liên kết cộng sinh, chất thải đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Quá trình cộng sinh đó để tạo giá trị gia tăng, đồng thời cho phép quản lý bền vững chất thải công nghiệp và các sản phẩm phụ, cũng như chất thải đô thị.
Cộng sinh công nghiệp đã được áp dụng trong những năm gần đây tại các quốc gia phát triển. Đơn cử ví dụ về Dự án “Sustainable Synergies” (Hợp lực bền vững) của Đan Mạch năm 2020, tại đó, 25 công ty Đan Mạch đã trao đổi các sản phẩm dư thừa như nước, năng lượng hoặc vật liệu. Lợi ích trực tiếp đem lại bao gồm: Giảm chi phí mua sắm vật liệu và quản lý chất thải; Thu nhập tăng thêm được tạo ra thông qua đổi mới sản phẩm và sản phẩm mới; Tạo ra thị trường và/hoặc nhóm khách hàng mới; Đem lại kết quả môi trường tích cực như giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tiêu thụ vật liệu, giảm lượng khí thải CO2 .
Tại Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện sự cộng sinh công nghiệp. Ví dụ như ở KCN Nam Cầu Kiền, các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành cộng đồng doanh nghiệp tuần hoàn với mô hình cộng sinh công nghiệp cho 3 ngành là luyện kim – cơ khí; nhựa và ngành phụ trợ điện.
Các mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại ở Việt Nam vẫn mang nặng đặc trưng “tuyến tính” và chúng ta mới chỉ bắt đầu hành trình hướng tới kinh tế tuần hoàn. Không có một công thức chung cho các doanh nghiệp trên con đường tiệm cận tới kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, với tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và sự cấp thiết phải tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, mỗi doanh nghiệp cần tạo ra cho mình lộ trình chuyển đổi từ “tuyến tính” sang “tuần hoàn”. Đặc biệt khi tham gia vào thị trường toàn cầu, Doanh nghiệp Việt bắt buộc phải làm ra những sản phẩm có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt chỉ phát triển được trong ngắn hạn và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ không chỉ được đánh giá thông qua báo cáo tài chính mà thông qua các bộ tiêu chí mới, chẳng hạn như Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Việc tạo ra sản phẩm tích cực, sản phẩm bền vững đang nhanh chóng trở thành một thước đo của xã hội đối với “đạo đức kinh doanh” của doanh nghiệp và doanh nhân.
Còn chưa đầy 30 năm nữa – thời gian tương đương với một thế hệ - để đất nước chúng ta đưa mức phát thải ròng về “0”! Việc này đồng nghĩa với tính cấp thiết phải hành động của tất cả các thành phần trong xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Với nhìn nhận từ góc độ của một doanh nhân, tôi thấy trong tương lai không xa, chỉ những doanh nghiệp mang lại sản phẩm/dịch vụ “tích cực”, có giá trị cho cộng đồng với chi phí tài nguyên tối thiểu và không tạo phát thải carbon mới có thể được coi là doanh nghiệp thành công.
Ông Đinh Hồng Kỳ
Chủ tịch Công ty CP Secoin
------------------------------------------------
BÀI VIẾT liên quan
TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG
CHUYỆN CHỐNG THAM NHŨNG CỦA BA LAN