Cộng sinh và tuần hoàn

Thứ năm, 12/01/2023 | 07:31 GMT+7
Bài viết của ông Đinh Hồng Kỳ được đăng trên Ấn phẩm của tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) số 280-282, tháng 1-2/2023 với tựa đề "Công sinh và tuần hoàn”.

Đầu tháng 5/2022, doanh nghiệp chúng tôi nhận được bản yêu cầu “Khai báo lượng khí thải carbon” (carbon footprint questionaire) trong sản xuất từ khách hàng Pháp – một hệ thống bán lẻ lớn thứ 3 trên thế giới với gần 900 siêu thị phân phối vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất trên toàn cầu. 


Trong bối cảnh khái niệm “khai báo lượng khí thải carbon” còn là mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt Nam, phía bạn giải thích thêm: “Việc khai báo lượng khí thải carbon tại nhà máy trong quá trình sản xuất là một trong những hoạt động quan trọng nhằm giảm ô nhiễm, tạo ra Sản phẩm Tích cực (Positive Products) và góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây là hoạt động bắt buộc để các nhà sản xuất được phép tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi trong tương lai.”


Chủ động tham gia chuỗi cung ứng xanh


Để chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự tham gia và mối quan hệ chặt chẽ giữa tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng, bao gồm Nhà cung cấp phụ; Nhà cung cấp; Công ty; Khách hàng và Người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng cần nhận thức và hành động để thích ứng với việc chuyển đổi từ Chuỗi cung ứng tuyến tính (SCM) sang Chuỗi cung ứng xanh (GSCM) – nơi mà tài nguyên được giữ để sử dụng càng lâu càng tốt và giảm lãng phí ở mọi giai đoạn, từ thiết kế đến phân phối.


Đơn cử, Secoin đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu này với những yêu cầu đặt ra khắt khe cho sản phẩm gạch ngói nghệ thuật Secoin. Để đảm bảo yếu tố xanh – tuần hoàn cho chuỗi cung ứng, phía bạn đặt ra chương trình “Sản phẩm tích cực” (Positive Products) dựa trên 5 cơ sở cốt lõi: (1) Sản phẩm an toàn cho con người và trái đất; (2) Làm từ các nguồn nguyên liệu tái tạo và tái chế bất cứ khi nào có thể; (3) Được sản xuất có trách nhiệm về quyền con người, quyền lao động và ngăn ngừa ô nhiễm; (4) Sản phẩm sử dụng lâu bền; (5) Thiết kế để cải thiện hiệu suất môi trường trong nhà, chẳng hạn như về sử dụng nước và năng lượng. Để đáp ứng được những tiêu chí này, chúng tôi cần xây dựng lộ trình chuyển đổi theo mô hình tuần hoàn trong mỗi công đoạn, từ thiết kế, phát triển sản phẩm, mua sắm nguyên vật liệu, sản xuất, đóng gói tới việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ logistics bên ngoài. Thách thức nhiều nhưng sẽ tạo ra cơ hội để sản phẩm của chúng tôi có chỗ đứng lâu dài và bền vững trong chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.


10 cơ hội trong việc đầu tư vào kinh tế tuần hoàn và được trải rộng trên năm lĩnh vực: Xây dựng, Giao thong, bao big nhựa, thời trang, thực phẩm.


Phát huy công sinh công nghiệp


Mỗi doanh nghiệp có một cách tiếp cận riêng với mô hình kinh tế tuần hoàn để phù hợp với thực tế hoạt động của mình. Tuy nhiên, một giải pháp quan trọng nữa là “cộng sinh công nghiệp” để tạo ra cộng đồng doanh nghiệp tuần hoàn. Cộng sinh công nghiệp là một cách tiếp cận sáng tạo tập hợp các công ty từ các lĩnh vực kinh doanh khác nhau để xử lý chất thải thành năng lượng và/hoặc vật liệu, bao gồm cả nước. 


Nói một cách khác, ở liên kết cộng sinh, chất thải đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Quá trình cộng sinh đó để tạo giá trị gia tăng, đồng thời cho phép quản lý bền vững chất thải công nghiệp và các sản phẩm phụ, cũng như chất thải đô thị.


Tại Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện sự cộng sinh công nghiệp. Ví dụ như ở KCN Nam Cầu Kiền, các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành cộng đồng doanh nghiệp tuần hoàn với  mô hình cộng sinh công nghiệp cho 3 ngành là luyện kim – cơ khí; nhựa và ngành phụ trợ điện.


Các mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại ở Việt Nam vẫn mang nặng đặc trưng “tuyến tính” và chúng ta mới chỉ bắt đầu hành trình hướng tới kinh tế tuần hoàn. Không có một công thức chung cho các doanh nghiệp trên con đường tiệm cận tới kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, với tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và sự cấp thiết phải tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, mỗi doanh nghiệp cần tạo ra cho mình lộ trình chuyển đổi từ “tuyến tính” sang “tuần hoàn”. 


Đặc biệt khi tham gia vào thị trường toàn cầu, Doanh nghiệp Việt bắt buộc phải làm ra những sản phẩm có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt chỉ phát triển được trong ngắn hạn và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ không chỉ được đánh giá thông qua báo cáo tài chính mà thông qua các bộ tiêu chí mới, chẳng hạn như Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Việc tạo ra sản phẩm tích cực, sản phẩm bền vững đang nhanh chóng trở thành một thước đo của xã hội đối với “đạo đức kinh doanh” của doanh nghiệp và doanh nhân.


Còn chưa đầy 30 năm nữa – thời gian tương đương với một thế hệ - để đất nước chúng ta đưa mức phát thải ròng về “0”! Việc này đồng nghĩa với tính cấp thiết phải hành động của tất cả các thành phần trong xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hàng đầu.


Với nhìn nhận từ góc độ của một doanh nhân, tôi thấy trong tương lai không xa, chỉ những doanh nghiệp mang lại sản phẩm/dịch vụ “tích cực”, có giá trị cho cộng đồng với chi phí tài nguyên tối thiểu và không tạo phát thải carbon mới có thể được coi là doanh nghiệp thành công.

 

Ông Đinh Hồng Kỳ

Chủ tịch Công ty CP Secoin

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM

---------------------------------------------------


BÀI VIẾT liên quan

TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...
Ngập rác
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG
CHUYỆN CHỐNG THAM NHŨNG CỦA BA LAN