Nhà nước - Bà đỡ hay trọng tài
Bài viết của ông Đinh Hồng Kỳ được đăng trên mục Góc nhìn của VnExpress, xuất bản ngày 2/4/2025.
Trong buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, tôi đã đặt một câu hỏi thường gặp: “Theo bạn, rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam là gì?”.
Một doanh nhân trả lời "Thiếu vốn", một người khác cho rằng "Thiếu công nghệ". Rồi một chủ doanh nghiệp có gần ba thập kỷ lăn lộn trên thương trường khẽ lắc đầu: "Rào cản lớn nhất là thiếu niềm tin".
Trong sự tĩnh lặng của cả khán phòng, ông giải thích thêm: Nhiều chủ doanh nghiệp ở Việt Nam vừa kinh doanh vừa nơm nớp: sợ chính sách thay đổi, sợ bị chèn ép, sợ mình không đủ lực để tiến xa.
Cuộc gặp gỡ diễn ra vào khoảng tháng 8 năm ngoái, trong bối cảnh Mỹ vừa từ chối công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chính sách này tập trung vào việc giảm gánh nặng tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang loay hoay trong một hệ sinh thái mà động lực phát triển chưa được công nhận đầy đủ.
Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển nhanh và bền vững.
Trước hết, cần một cách nhìn mới về khái niệm "nền kinh tế thị trường". Một nền kinh tế chưa thể coi là "thị trường" nếu doanh nghiệp tư nhân vẫn phải cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái về vốn, đất đai, dự án, hợp đồng; nếu các quyết định đầu tư còn bị chi phối bởi cơ chế "xin - cho"; nếu chính sách thuế có thể thay đổi đột ngột tùy theo ý chí của cơ quan quản lý...
Bài học từ Trung Quốc rất đáng lưu ý: chỉ khi khu vực tư nhân được trao vai trò trung tâm, nền kinh tế mới có thể bứt phá mạnh mẽ. Hiện nay, khu vực tư nhân ở Việt Nam đóng góp 51% GDP, nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai và tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các khảo sát của VCCI cho thấy: 57% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về tiếp cận vốn; hơn 44% đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật là một thách thức lớn; khoảng 70% gặp khó khăn trong việc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, những cáo trạng liên quan đến các vụ hối lộ chính trị gia gần đây cho thấy, cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước thậm chí mang một hình thái mới, là cạnh tranh giữa doanh nghiệp tư nhân thuần túy với các doanh nghiệp tư nhân "khoác áo" nhà nước, hoặc với doanh nghiệp sân sau của các chính trị gia có khả năng thao túng chính sách. Điều này không chỉ làm méo mó môi trường cạnh tranh mà còn bóp nghẹt cơ hội của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hệ quả là có những doanh nghiệp chọn cách "lớn lên để bán" cho đối tác nước ngoài thay vì tiếp tục phát triển lâu dài trong nước.
Để chấm dứt tình trạng này, điều cần làm không phải tạo ra thêm luật mới, mà là thực thi luật hiện hành một cách công bằng và minh bạch. Cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ thông qua việc thành lập các ủy ban giám sát độc lập với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức xã hội, để theo dõi và phản ánh kịp thời những sai lệch trong quá trình phân bổ nguồn lực công.
Một bất cập khác là sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và khối đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi doanh nghiệp FDI thường được miễn thuế bốn năm, giảm thuế chín năm, không ít doanh nghiệp Việt Nam phải gánh thuế suất 20% ngay từ năm đầu tiên. Nhiều địa phương trải thảm đỏ mời gọi FDI nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.
Chúng ta cần thiết lập nguyên tắc ưu đãi công bằng và có điều kiện. Ưu đãi phải gắn liền với cam kết chuyển giao công nghệ, tạo liên kết thực chất với doanh nghiệp trong nước. Việc chống chuyển giá với những giao dịch đến từ "thiên đường thuế" cần được giám sát chặt chẽ. Mặt khác cần kiểm soát tình trạng FDI đầu tư với mục đích "rửa xuất xứ" nhằm xuất khẩu vào các thị trường quốc tế lớn để né hàng rào thuế quan. Tình trạng này không chỉ tạo nguy cơ bị trừng phạt thuế từ phía Mỹ do thặng dư mậu dịch quá cao mà còn gây phương hại cho các doanh nghiệp thuần Việt khi xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm đó.
Thay vì chạy theo số lượng dự án FDI, Việt Nam nên xây dựng bộ tiêu chí để thu hút những nhà đầu tư chất lượng cao, có giá trị gia tăng thực và đóng góp lâu dài cho nền kinh tế.
Một nghịch lý khác là trong khi doanh nghiệp bị xử phạt vì chậm nộp thuế, các trường hợp chậm hoàn thiếu VAT, hoặc trì hoãn cấp phép vô lý trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm... chưa được giải quyết rốt ráo. Không thể để cơ quan công quyền luôn đứng ngoài cuộc trước những khó khăn họ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đã đến lúc thiết lập cơ chế phản ứng ngược. Nếu doanh nghiệp bị phạt khi chậm nghĩa vụ thuế, Nhà nước cũng cần đền bù chậm hoàn thuế, với mức tương đương. Những cán bộ gây ách tắc hành chính phải bị công khai danh tính và chịu trách nhiệm pháp lý.
Kỷ nguyên mới của nền kinh tế Việt Nam cần một cách tiếp cận mới: Nhà nước không còn là "bà đỡ" cho doanh nghiệp mà phải trở thành người tạo môi trường kinh doanh với nguyên tắc: rõ ràng, minh bạch và công bằng. Đất nước cần một "hiến chương kinh doanh quốc gia" với triết lý đơn giản nhưng đầy sức mạnh: Nhà nước mạnh là nhà nước tạo ra nhiều doanh nhân thành công, chứ không phải "nuôi" nhiều doanh nghiệp yếu ớt.
Tuy nhiên, không chỉ phía Nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân cũng cần thay đổi: chấm dứt kinh doanh bằng quan hệ với quan chức. Doanh nghiệp tư nhân cần học cách tôn trọng pháp luật và lợi ích cộng đồng. Họ phải tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ đóng thuế, làm giàu bằng tri thức, chăm chỉ trong lao động, sáng tạo trong quản trị và hội nhập vào sân chơi toàn cầu hóa.
Nhà nước không thể mãi đóng vai "bà đỡ" mà sẽ dần trở thành trọng tài công minh, đảm bảo rằng không loại hình doanh nghiệp nào cảm thấy mình là "con ghẻ" trong nền kinh tế.
BÀI VIẾT liên quan
Nguy cơ đô thị suy thoáiBổng lộc hay phụng sự
Tẩy xanh vàn ẩn xanh
Khi Trung Quốc vào cuộc đua Ai
TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...
Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE