XUẤT ÔNG CHỦ, NHẬP Ô SIN (NHỊP CẦU ĐẦU TƯ)

Chúa Nhật, 26/02/2012 | 03:34 GMT+7
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ, đăng trên Báo Nhịp cầu đầu tư ngày 26/02/2012. Việc xuất ông chủ vốn đồng nghĩa với xuất tri thức (cái mà ta đang rất cần) và nhập lao động giản đơn (trong khi ta đang thừa) là điều rất đáng lo ngại.

Việc xuất ông chủ vốn đồng nghĩa với xuất tri thức (cái mà ta đang rất cần) và nhập lao động giản đơn (trong khi ta đang thừa) là điều rất đáng lo ngại.

Trên trang báo điện tử TuanVietnam.net có đăng một bài viết “Vì sao lại nhập ông chủ và xuất ô sin” của tác giả Nguyễn Trọng Bình. Nội dung của bài viết này không có gì lạ. Kể từ khi đất nước đổi mới, làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và lao động Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài ngày một tăng. Cả 2 khía cạnh đều mang lại các giá trị tích cực cả trong ngắn lẫn dài hạn cho đất nước và xã hội. Tuy nhiên, có thể tác giả cũng như một bộ phận không nhỏ trong xã hội lại không nhìn thấy một trào lưu ngược lại: xuất ông chủ và nhập ô sin. Đây thật sự là mảng chìm của tảng băng mà tác giả mới nêu ra được bề nổi. Nó thật sự đã và đang trở thành trào lưu trong xã hội và giới doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất ông chủ
Vào những thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều người Việt di cư ra nước ngoài và đã hình thành một cộng đồng hơn 3 triệu người Việt tại hải ngoại. Họ ra đi vì nhiều mục đích nhưng chủ yếu là do kinh tế hoặc chính trị. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XX, khi đất nước đổi mới và mở cửa, nền kinh tế thị trường xuất hiện trở lại và phát triển thì một lớp doanh nhân nhà giàu mới đã xuất hiện. Và cách đây khoảng 10 năm bắt đầu manh nha hình thành một làn sóng mới là các tầng lớp giàu có di cư ra nước ngoài. Điểm đến của họ chủ yếu là Mỹ, Úc, Canada, Anh và cả một số quốc đảo có đời sống cao và nhiều ưu đãi về thuế. Các ông chủ đến những nơi này không chỉ có từ Việt Nam mà cả từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Âu.
Vì sao khi giàu lên, các ông chủ không ở Việt Nam cho sướng khi giá cả ở đây vẫn thuộc vào loại thấp nhất thế giới? Đại đa số câu trả lời của họ là tìm một môi trường sống tốt cho gia đình và một chế độ giáo dục chuẩn mực cho con cái. Và như vậy tiếp nối làn sóng tị nạn kinh tế, chính trị trước đây, đã bắt đầu hình thành một làn sóng (tuy nhỏ hơn) là tị nạn giáo dục và môi trường sống. Thay vì trước đây kiếm tiền ở nước ngoài để sống ở Việt Nam thì nay một bộ phận các ông chủ làm ngược lại. Họ mua nhà, đưa cả gia đình ra nước ngoài sống và học tập, trong khi vẫn duy trì công việc làm ăn tại Việt Nam. Khi đã vượt qua được câu chuyện miếng cơm, manh áo, họ lại muốn bỏ tiền ra để mua giáo dục cao, bầu không khí trong lành và môi trường sống lành mạnh, văn minh.
Nhập ô sin
Sáu năm trước đây, tôi từng sang Trung Quốc tham quan một nhà máy sản xuất đá mài cùng loại với sản phẩm mà chúng tôi làm tại Việt Nam. Tôi thật sự ngạc nhiên khi cùng một quy trình công nghệ, máy móc thiết bị như nhau mà năng suất của một công nhân Trung Quốc lại cao hơn công nhân của chúng tôi 250%, trong khi lương của họ chỉ hơn khoảng 30%.
Một lần lên Đắk Nông, khi thấy nhiều lao động phổ thông người Trung Quốc làm việc trên công trường, tôi đã hỏi chỉ huy trưởng người Trung Quốc rằng sao không thuê công nhân Việt Nam cho rẻ. Ông ta cho biết, tưởng là rẻ khi thuê công nhân Việt Nam nhưng trên thực tế công nhân Trung Quốc làm việc chăm chỉ hơn. Họ sẵn sàng làm 13-14 giờ/ngày, hiệu quả cao hơn nên tính ra vẫn rẻ hơn. Ông ta nói công nhân Trung Quốc hiền lành, không biết nhậu, chơi bời và điều quan trọng là biết sợ và nghe lời sếp hơn công nhân Việt Nam.
Xin kể thêm một câu chuyện về từ “ô sin”. Hiện nay, tại một số khu dân cư cao cấp, người ta hay thuê người giúp việc là người Philippines, Bangladesh... Lý do là họ biết tiếng Anh, làm việc chăm chỉ và chuyên nghiệp.
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy đất nước chúng ta thời mở cửa không chỉ xuất khẩu lao động mà còn nhập khẩu lao động. Xu hướng này đang ngày một tăng.
Bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Bình có nêu người lao động xuất khẩu chuyển về nước hơn 1 tỉ USD mỗi năm nhưng với trào lưu mới của việc “xuất ông chủ - nhập ô sin”, lượng ngoại tệ chuyển ra khỏi đất nước theo nhiều hình thức khác nhau có lẽ còn lớn hơn nhiều.
Ngoài góc độ tài chính, nếu việc xuất ông chủ đồng nghĩa với xuất tài năng, xuất tri thức (cái mà ta đang rất cần) và nhập lao động giản đơn (trong khi ta đang thừa) là điều rất đáng lo ngại.
Sống trong thời đại toàn cầu hóa, việc các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay xuất khẩu lao động Việt ra nước khác âu cũng là chuyện thường tình. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận thế nào và Chính phủ cần có chính sách gì để theo kịp với thực tế và đem lại lợi ích cao nhất cho đất nước và người dân. 
(Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Secoin)


BÀI VIẾT liên quan

TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...
Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG