LUẬN BÀN VỀ DOANH NHÂN VIỆT THỜI KHỦNG HOẢNG
Cho tới nay ở Việt nam chưa có tổ chức nào tiến hành điều tra tổng thể và nghiên cứu một cách toàn diện để có thể cung cấp cho xã hội một bức tranh đầy đủ rõ nét về lớp doanh nhân mới của Việt nam, lớp người đang được cho là: “đóng vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng phát triển nền kinh tế đất nước”. Dưới đây là một số đúc kết các đặc điểm cơ bản của lớp doanh nhân Việt mới từ những nguồn thông tin khác nhau:
– Ra đời và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường của đất nước.
– Đa số tuổi đời khá trẻ, được đào tạo và rèn luyện trong quá trình đổi mới, có tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số không ít doanh nhân có trình độ học vấn hạn chế, kỹ năng quản trị, kinh doanh thấp.
Có tinh thần doanh nghiệp ý chí lập nghiệp, làm giàu, dám chấp nhận rủi ro, thách thức. Làm việc rất cần cù, năng động chịu khó học và vươn tới cái mới, có tính tiên phong trong một số lĩnh vực.
– Sống có văn hóa, nhân bản, có ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, có mong muốn được gắn bó trong hội đoàn, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của gia đình, xã hội và dân tộc. Tuy vậy tất nhiên vẫn còn những thiểu số doanh nhân thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, văn hoá trong kinh doanh và trong cuộc sống, làm phương hại đến lợi ích của công đồng Doanh nghiệp và xã hội.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin đi sâu vào ba đặc điểm của lớp doanh nhân Việt mới đặc biệt trong thời khủng hoảng:
- Mức độ dám chấp nhận rủi ro
- Tính đổi mới, sáng tạo
- Tính tiên phong, đi trước đối thủ trong các hoạt động kinh doanh
Mức độ dám chấp nhận rủi ro
Chủ tịch danh dự Công ty Secoin chúng tôi, Gs Đinh Xuân Bá đã nói: ”Một trong những tố chất quan trọng nhất của một doanh nhân là dám chấp nhận rủi ro. Không biết được điều đó thì không có một doanh nghiệp lớn mạnh”
Tuy vậy, cũng có thể nói có một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt là không dám chấp nhận rủi ro. Họ thiếu hẳn sự sáng tạo , đổi mới, dám nghĩ dám làm và tính tiên phong. Điều này thể hiện rõ nhất ở “tâm lý bầy đàn” trong hoạt động doanh nghiệp thời gian qua. Những bài học đau lòng về “bầy đàn trong chứng khoán”, “bầy đàn trong bất động sản”, “bầy đàn trong mô hình tập đoàn đa ngành, đa nghề”,… đã đẩy không biết bao doanh nhân, doanh nghiệp đến bờ vực phá sản và đẩy kinh tế đất nước vào cơn khủng hoảng trầm trọng.
Ở một góc nhìn khác, việc dám đối mặt với rủi ro trong quyết định của một bộ phận doanh nghiệp Việt nam vẫn mang nặng tính “liều” và quyết định mang tính thiếu nhận thức và hiểu biết. Có thể nhận thức những “rủi ro trong những quyết định dám chấp nhận rủi ro” của doanh nghiệp Viêt nam như sau:
– Thiếu những qui tắc khôn ngoan trong việc chấp nhận rủi ro
– Thiếu kỷ luật trong việc tuân thủ nguyên tắc này
– Chưa đo lường để lượng hóa được những rủi ro
Nói cách khác, bí quyết đầu tư là phải mạo hiểm với những rủi ro được tính toán trước. Mỗi một cơ hội đầu tư luôn mang theo những rủi ro tiềm ẩn. Trong một số thương vụ đầu tư, một loại rủi ro nhất định có thể chiếm ưu thế hơn, và những rủi ro khác chỉ là thứ yếu. Hiểu đầy đủ về những loại rủi ro chính yếu là cần thiết để mạo hiểm có tính toán và đưa ra những quyết định đầu tư nhanh nhạy.
Trong một số tài liệu đã liệt kê được các loại rủi ro trong hoạt động doanh nghiệp: – Rủi ro vỡ nợ; – Rủi ro kinh doanh; – Rủi ro thanh khoản; – Rủi ro sức mua hay rủi ro lạm phát; – Rủi ro lãi suất; – Rủi ro công nghệ; – Rủi ro chính trị; – Rủi ro thị trường.
Có một câu nói rất hay là: “Không rủi ro có nghĩa là không lợi nhuận. Nơi rủi ro cao thì cũng kỳ vọng lợi nhuận cao”, vấn đề chỉ là quản lý rủi ro đó như thế nào. Không phải tất cả 8 loại rủi ro này có thể đồng thời xảy ra tại một thời điểm và với cùng một vụ đầu tư. Mặt khác, các loại rủi ro khác nhau có mối liên hệ với nhau. Điều quan trọng là phải đánh giá một cách cẩn trọng sự tồn tại của mỗi loại rủi ro, và mức độ của nó trong mỗi cơ hội đầu tư.
Để tổng kết vấn đề, tôi xin liên tưởng tới sự kiện Việt nam ra nhập WTO được các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp Việt hay thích dùng từ gọi là “ra biển lớn”. Ra biển lớn là chấp nhận rủi ro. Biển lớn chứa đựng cả những cơ hội “tôm cá đầy khoang” cũng như những rủi ro của những cơn bão lớn hấm chìm con tàu. Chỉ những Doanh nghiệp và doanh nhân dám chấp nhận sự thách thức của biến cả mới xứng đáng thu nhận về mình tinh hoa của đại dương.
Tính đổi mới sáng tạo
Có một thực tế cần phải nhìn nhận thẳng thắn là tính đổi mới và sáng tạo trong một bộ phân không nhỏ doanh nhân Việt còn ở mức thấp. Chúng ta hay tự nhận xét rằng người Việt thông minh, sáng tạo, nhưng nhiều khi các sáng tạo đó mang nặng tính chất manh mún, đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động. Lý giải ở một góc độ, Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo Khổng và đạo Phật. Một thực tế cần phải thừa nhận rằng, hai luồng tư tưởng này đều không mấy khuyến khích những con người năng động, sáng tạo, đổi mới để vượt lên trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt nam đang bước vào giai đoạn thử thách gay go nhất cho Chính phủ cũng như giới doanh nghiệp. Theo góc nhìn cá nhân thì khả năng dự báo, sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và khả năng tư duy không chuẩn mực là những nhân tố mang tính sáng tạo cao của doanh nhân trong việc đưa doanh nghiệp của mình vượt khó khăn.
Ở đây tôi muốn đi sâu vào phân tích tố chất mang tính đổi mới của doanh nhân đó làkhả năng tư duy không chuẩn mực. Những lý thuyết kinh tế, tài chính, những chuẩn mực kinh doanh tưởng chừng bền vững nhất, tiên tiến nhất thì nay lung lay dữ dội và gây ra sự hoài nghi cho các nhà kinh tế và giới doanh nhân. Và cùng lúc đó, thành công của các doanh nghiệp khi thực thi công việc ngược lại với các chuẩn mực lại đem lại những thành công bất ngờ. Cuối năm 2008 khi thị trường tài chính Mỹ lung lay dữ dội thì theo logic chuẩn mực chung đồng Dollar Mỹ nhất thiết phải mất giá, vậy mà thực tế cho thấy một điều kỳ lạ là đồng Dollar Mỹ lại lên giá một cách mạnh mẽ và có tính bền vũng với tất cả các đồng tiền khác. Nếu lý giải vấn đề theo hướng không chuẩn mực thì sự việc này lại mang tính logic của nó và nếu doanh nghiệp cũng “hành xử “theo một kiểu không chuẩn mực tương tự thì đây lại là cơ hội lớn với họ.
Tưởng chứng câu chuyện không xa của Warren Buffet về những nguyên tắc thành công trên thị trường chứng khoán “hãy đầu tư khi thị trường run sợ …” là những minh chứng. Rồi câu chuyện về thị trường bất động sản của Việt nam: khi bất động sản tăng thì đổ xô vào mua, khi thị trường càng xuống thì càng ít người mua. Vậy ta sao không làm ngược lại ?
Tuy vậy, trong một cuộc trao đổi người viết cũng rất tâm đắc với ý kiến của Ts Nguyễn Thị Tuyết Mai, giảng viên MBA về marketing, rằng khả năng tư duy không chuẩn mực chỉ xuất hiện ở những nhà lãnh đạo rất am hiểu và nắm vững về những chuẩn mực.
Tính tiên phong
Khi nói về sứ mệnh doanh nghiệp, chúng ta thường nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội… Về mặt bề nổi thì đúng là như vậy nhưng nhìn nhận ở góc độ sâu hơn, thấm đẫm trong mỗi hoạt động của doanh nhân là tính tiên phong, mở đường cho những ý tưởng mới, nhận thức mới và ở mức độ nào đó, tác động tích cực đến tầm nhìn trong đời sống xã hội.
Dưới đây người viết xin nêu một số tính tiên phong trong hoạt động doanh nghiệp Việt nam: Tiên phong về sản phẩm mới, dịch vụ mới ; Tiên phong về công nghệ ; Tiên phong trong phương pháp quản trị doanh nghiệp ; Tiên phong về văn hóa và tri thức
Khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chúng ta có cái nhìn logic hơn về mối quan hệ cung – cầu, giá – cầu; nhưng chỉ khi các siêu thị Metro, Lotte, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim,… tung những “đòn” siêu khuyến mãi, chúng ta mới nhận thức một cách trực quan, đầy đủ sự vận động của giá lên cầu, cũng như quyền năng, giới hạn của người tiêu dùng trong 3 trụ cột quyết định đến nhịp độ phát triển đất nước, bao gồm: xuất khẩu – tiêu dùng trong nước – đầu tư toàn xã hội.
Cùng với động lực mở rộng thị trường, doanh nhân có nhu cầu sử dụng những biểu tượng văn hóa dân tộc. Họ là sứ giả đưa những tinh hoa Việt Nam ra thế giới. Những Café Trung Nguyên, đôi dép Bitis, bánh kẹo Kinh Đô, tà áo dài của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, gạch bông Secoin,… xuất hiện ở nhiều châu lục, khiến Việt Nam gần gũi hơn trong con mắt bạn bè thế giới.
Tính tiên phong cũng là nhân tố quan trọng bậc nhất trong chiến lược cạnh tranh vượt lên đối thủ . Tại Công ty Secoin chúng tôi, tiêu chí “luôn tạo ra sự mới lạ” như kim chỉ nam cho hoạt động R&D để phát triển sản phẩm mới. Theo thống kê, cứ 1 tháng chúng ta cho ra 1 model gạch mới và mỗi năm lại tung ra thị trường 1-2 chủng loại sản phẩm mới. Điều đó đã đẩy các đối thủ cạnh tranh của Secoin luôn ở thế người đi sau. Mỗi khi họ copy xong 1 model gạch của chúng tôi thì cũng là lúc chúng tôi kịp tung ra model mới được bán với giá cao, còn model cũ thì hạ giá để cạnh trnh với đối thủ. Với chiến lược này, Secoin luôn là người tiên phong chiếm lĩnh và dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực của mình.
Trên đây là một số mạo muội luận bàn về những tố chất chính mà giới doanh nhân Việt cần có trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt hữu ích trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Sài gòn, ngày 04.04.2012
ĐHK
BÀI VIẾT liên quan
TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG