KHỦNG HOẢNG KINH TẾ – SỰ ĐỔ VỠ CỦA CÁC TRÀO LƯU KINH DOANH
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ, đăng trên Báo Nhịp cầu đầu tư ngày 18/11/2012. Cuối năm 2006 tôi có đi tham dự một lớp đào tạo về chứng khoán mà lúc đó bắt đầu trở thành một trào lưu trong xã hội và giới doanh nghiệp
1. Cuối năm 2006 tôi có đi tham dự một lớp đào tạo về chứng khoán mà lúc đó bắt đầu trở thành một trào lưu trong xã hội và giới doanh nghiệp. Vào lớp, rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều đồng nghiệp là giám đốc của các doanh nghiệp bạn cùng tham dự. Giờ nghỉ giải lao ai đấy cũng kể về các câu chuyện ngoạn mục khi cổ phần hóa và niêm yết. Một anh giám đốc mà tôi có gặp lại sau vài tháng đã khoe: “Tớ cổ phần hóa Công ty rồi, bán cổ phiếu mỏi tay cậu ạ !” Hỏi sao mỏi tay, “đơn giản là vợ chồng nhà tớ tối về cứ cắm đầu ký cổ phiếu là sáng hôm sau người ta xếp hàng mua cái “tờ giấy” đó !”. Giá thì cứ gấp 5, 6 lần, rồi mua đi bán lại với giá 8, 9 lần mà đến ông giám đốc cũng chẳng hiểu vì sao họ “điên” như vậy ! Mấy tháng sau anh bạn giám đốc đó đưa Công ty niêm yết trên sàn. Giá cao chất ngất ! Vợ chồng hỉ hả cứ lấy thặng dư ra sài cũng đủ sướng rồi, khỏi làm gì. Cuối năm lấy cổ tức đâu mà chia ? thì cũng lấy từ thặng dư ra chia thôi ! Mỡ nó rán nó, ai bảo cứ lao đầu vào … Sau một thời gian, tôi nghe người ta đồn anh ta phải thuê bảo vệ nghiêm ngặt hai đứa con vì suốt ngày bị các cổ đông đòi “thịt”. Cũng chẳng sướng gì !
Hồi đấy tôi đã nảy sinh suy nghĩ, bây giờ là trào lưu lên sàn thì không biết chừng một thời gian nữa sẽ là trào lưu thoát sàn. Năm 2008-2009 cú giáng đầu tiên lên sàn khi thị trường sụt giảm thê thảm. Khi đó những cú tác động vĩ mô không mang tính logic đúng đắn đã cứu thị trường lên một chút. Nhưng tới cú giáng của 2010-2012 này làm thị trượng sụp hẳn. Cái thời mà đến bà bán thịt ở Chợ Hôm cũng chơi chứng khoán thì nay cổ phiếu còn rẻ hơn mớ hành ở chợ cóc ven đường. Niềm tin cổ đông mất hết, cán bộ công nhân viên lỡ mua cổ phiếu ưu đãi thành ngược đãi, tài sản công ty rẻ rúng hơn bao giờ hết,… Và giờ đây các giám đốc đang vắt tay lên chán suy nghĩ cách “thoát sàn”. Một làn sóng các công ty rời sàn chứng khoán sắp diễn ra !
2. Một anh bạn giám đốc khác cùng học trong lớp chứng khoán trên, trước đó có một xưởng may nhỏ, vài chục công nhân cũng học lớp chứng khoán kể trên với tôi. Sau mấy tháng gặp lại anh ta đưa cái name card mới cho tôi với chữ “TẬP ĐOÀN” to tướng rồi kể: tôi lên Tập đoàn rồi ông ạ, 8 Công ty thành viên, hoạt động đa ngành-đa nghề với mấy ngàn cán bộ,… Thế rồi tôi sẽ lên sàn, anh bạn giám đốc kể tiếp, nhưng không thèm cái loại HOSE, HNX lằng nhằng trong nước mà đang tính sàn Sing, sàn Kong thậm chí Mỹ cho nó xứng tầm ! Không chỉ có anh bạn đó, một loạt các Công ty lớn nhỏ của Nhà nước, hay thậm chí rất nhỏ của tư nhân xuất hiện với cái tên Tập đoàn. 2 triệu là thành lập xong cái Công ty, vậy vị chi tập đoàn 20 công ty chỉ mất có 40 triệu thì quá bèo ! Một anh bạn luật sư chuyên tư vấn thành lập doanh nghiệp bảo công ty mới bây giờ 10 cái thì 9 cái cổ phần và 6 cái trong số đó đòi đặt tên Tập đoàn.
Thế rồi lợi nhuận của cái xưởng may còi của anh giám đốc nói trên lại là nguồn nuôi chính cho Tập đoàn. Chỉ chưa đầy năm sau, Tập đoàn sập ! Cái trào lưu Tập đoàn rời khỏi các lĩnh vực hoạt động chính để đầu tư ngoài ngành dần sụp đổ. Các Công ty hoặc đã phá sản hoặc vội vàng quay trở lại lĩnh vực hoạt động cốt lõi của mình. Không chỉ mấy ông tư nhân, các tập đoàn Nhà nước to như Vinashin, Vinaline,… ra đi và các tập đoàn Nhà nước khác vội vàng quyết định dừng thí điểm như thông báo của Chính phủ cách đây mấy ngày.
3. Ngày xưa các cụ bảo làm gì thì làm cố phải có tý đất. Không gì bằng đất ! Thế nên Công ty, tập đoàn nào cũng phải có dự án bất động sản, Công ty nào mà không có bất động sản thì không thể hiện đẳng cấp của mình ! Rồi thậm chí mọi người dân đều lao vào đất. Một đất nước mà với thu nhập bình quân đầu người chỉ chưa đầy 1.000 USD/ năm tức là phải mất 100 năm nhịn, ăn nhịn mặc người dân mới đủ tiền mua 1 căn hộ thấp cấp. Vậy mà tồn kho đến cả 100.000 căn hộ ở Hà Nội, 80.000 căn hộ ở Tp.HCMdo tất cả người mua phần lớn là nhà đầu tư, đầu cơ, chưa kể hàng ngày các dự án lỡ “cưỡi lưng cọp” vẫn đẻ ra thêm căn hộ !
Các định chế tài chính – bất động sản Nước ngoài dự đoán 7 năm nữa Việt Nam chưa chắc tiêu thụ hết cái đống “nhà tồn kho” ngày hôm nay. Bóng bóng đẩy lên rồi phải vỡ. Và nó đang chuẩn bị vỡ dẫn đến bi kịch của cả nền kinh tế mà dự kiến của các chuyên gia kinh tế không biết 10 năm nữa có phục hồi được không. Bây giờ thì ai nghe đến đất cũng thấy rùng mình !
4. Rồi lại câu chuyện ngân hàng, Đại gia nào mà không có dính vào đầu tư ngân hàng thì không phải là đại gia. Mà muốn làm ngân hàng lấy tiền đâu ? Thế là mở ra và cứ lấy mỡ nó rán nó rồi quay vòng đồng tiền gửi của dân thông qua các Công ty con bằng cách phát hàng trái phiếu. Rồi tiền huy động được ném vào đất, ném vào khoáng sản, thủy điện, xi măng, vàng,… đến khi cùng sập thì mới lộ ra không biết bao ông ngân hàng mất hết vốn điều lệ từ bao giờ ! Câu chuyện này của không ít ngân hàng nhỏ bây giờ giống hệt như thao tác của Nguyễn Văn Mười Hai và nước hoa Thanh Hương của thập niên 80 thế kỷ trước !
5. Cuối cùng là câu chuyện đầu tư cho bóng đá, “Đại gia và bóng đá” ! Các đại gia lấy “lợi nhuận ảo” từ đất, từ ngân hàng, để mỗi năm ném vài chục tỷ đồng “tiền thật” để nuôi một đội bóng cho “bằng anh, bằng em”. Để rồi khi đất đóng băng, ngân hàng chất chồng nợ xấu mới không biết moi đâu ra để nuôi tiếp đội bóng. Một trào lưu bỏ của chạy lấy người đang diễn ra và không biết mùa giải V-league 2013 tổ chức sao đây và chắc chắn mùa giải 2014 còn thê thảm hơn nhiều !
Và còn nhiều câu chuyện khác cho kiểu đầu tư theo trào lưu bầy đàn như khoáng sản, sắt thép, nhà máy xi măng, thủy điện,… Âu cũng là bài học thời kinh tế thị trường mới chuyển đổi. Tất cả các giá trị bị đảo lộn. Người ta không biết đâu là chuẩn mực và cứ như thiêu thân lao vào hết phong trào này tới phong trào khác. Sụp đỗ, đõ vỡ, tan tành … rồi ngồi bệt trên đống hoang tàn mới tự hỏi biết làm gì đây ! Đơn giản thôi, bà bán thịt thì hãy quay về với hàng thịt, anh thợ may hãy xây lại xưởng may,… Và các công ty về chứng khoán, bất động sản, ngân hàng,… hãy kiên định theo hướng đi cốt lõi của mình. Phải tìm cho được cái cốt lõi công việc của mình, nếu chưa tìm được thì phải cố tìm cho ra và kiên định đi theo hướng đó, nói thao cách nói của Steve Jobs.
Câu nói trả lời phỏng vấn của “đại gia” Đặng Thành Tâm cách đây mấy ngày khi họp Quốc hội nói lên tất cả: “Tôi chỉ ước được trở về ngày xưa. Không phải mình tôi đâu, những anh khác nằm trong danh sách giàu nhất nhì sàn chứng khoán cũng ước mơ như vậy đấy. Ngày xưa làm ít, nợ ít, không canh cánh nỗi lo nợ nần. Ước như thế chả khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình còn tốt hơn sống trong lâu đài xa hoa nhưng không phải của mình, lại canh cánh nỗi lo”.
Vâng, câu nói của Đặng Thành Tâm là giải pháp cho doanh nghiệp Việt lúc này: hãy quay trở về cái “máng lợn” của mình cho dù nó đã sứt mẻ !
Sài gòn, 18-11-2012
Đinh Hồng Kỳ
BÀI VIẾT liên quan
TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG