DOANH NHÂN SẼ GÓP PHẦN ĐƯA NÔNG NGHIỆP "CẤT CÁNH" (BÁO ĐẦU TƯ)

Thứ sáu, 03/02/2012 | 15:38 GMT+7
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ, đăng trên Báo Đầu Tư ngày 03/02/2012. Trong một chuyến về Tiền Giang và Bến Tre gần đây để xem bà con nông dân nuôi trồng thủy sản, tôi giật mình bởi hệ thống giao thông quá yếu kém, với hầu hết các cây cầu được xây dựng từ cách đây mấy thập kỷ. Cầu nhỏ đến nỗi chỉ một xe ô tô con đi lọt. Vậy sao xe container, ô tô tải trọng lớn về được để hỗ trợ phát triển nông nghiệp?

Trong một chuyến về Tiền Giang và Bến Tre gần đây để xem bà con nông dân nuôi trồng thủy sản, tôi giật mình bởi hệ thống giao thông quá yếu kém, với hầu hết các cây cầu được xây dựng từ cách đây mấy thập kỷ. Cầu nhỏ đến nỗi chỉ một xe ô tô con đi lọt. Vậy sao xe container, ô tô tải trọng lớn về được để hỗ trợ phát triển nông nghiệp?
 
Trong khi đó, dọc bên đường lô nhô các khu công nghiệp, trong đó, không ít khu đang bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu. Nông dân thì mất đất, mất việc. Đành rằng, cần phát triển các khu công nghiệp, nhưng liệu có nhất thiết tỉnh nào cũng phải lấy đất trồng lúa của dân để mở vài khu công nghiệp, rồi sân golf, khu du lịch sinh thái…?
 
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cứ 1 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi, thì 10 nông dân mất việc làm. Đến nay, đã gần 1 triệu nông dân mất việc, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu người.
 
Dẫu vậy, tới các vùng nông thôn, từ miền Bắc vào đến miền Trung và miền Nam, ở đâu cũng thấy chuyện khan hiếm lao động. Hóa ra, thanh niên đổ hết tới các đô thị lớn, hay các khu công nghiệp tìm kiếm việc làm với đồng lương rẻ mạt. Tới vụ gặt hay thu hoạch tôm, cá, nhìn cả xóm chỉ thấy toàn người già và trẻ em.
 
Lại nhớ câu chuyện anh bạn cùng học Đại học Bách khoa Hà Nội mở doanh nghiệp ở Thanh Hóa than phiền rằng, trả lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng có nhân viên kế toán vẫn bỏ về Hà Nội để nhận lương chỉ 3 triệu đồng/tháng. Rồi chuyện một đêm ngồi uống rượu ở đầm tôm Bến Tre, mới 7 giờ tối mà xung quanh tối đen như mực, không một bóng người. Thì ra, thanh niên chạy hết về hết đô thị. Họ đi không chỉ vì đồng lương, mà còn vì cuộc sống, bởi hạ tầng ở nông thôn quá nghèo nàn không chỉ về kinh tế, mà còn về văn hóa, giải trí, giáo dục, y tế…
 
Những thực tế trên cho thấy, cần xem xét lại chính sách đầu tư cho nông thôn và nông nghiệp, để làm sao người nông dân gắn bó với ruộng đồng. Chúng ta cũng cần có những chính sách để bảo hộ nông nghiệp và bảo vệ nông dân.
 
Để đưa nông nghiệp thoát khỏi tình cảnh hiện nay, nhất thiết phải đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp với hàm lượng chất xám cao. Theo GS-TS Vũ Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học – kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đầu tư cho khoa học - kỹ thuật nông nghiệp của cả nước chỉ ở mức 30 triệu USD/năm hiện nay là quá thấp so với các nước. Không chỉ cần hiện đại hóa hay cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi, mà đầu tư cho công nghiệp chế biến sau thu hoạch cũng hết sức cần thiết, bởi 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện dưới dạng thô.
 
Đồng thời, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp cần được coi trọng. Vai trò tiên phong của giới doanh nhân trong đầu tư cho nông nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Không thể chỉ trông chờ vào Chính phủ, vì thực tế cho thấy, các chính sách của Chính phủ thường đi sau thị trường.
 
Trước đây ở Ba Lan, tôi có quen một anh sang đó làm tiến sĩ và là “đại gia” trong kinh doanh nguyên liệu sữa từ Ba Lan cho một công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Vậy mà mấy năm trước, anh ta đã bỏ công việc béo bở đó để về miền Tây Nam Bộ đầu tư nuôi tôm và đã thành công.
 
Một tiến sĩ khác cũng rời Ba Lan về Việt Nam đầu tư 1.300 ha đầm tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đầm tôm này được vận hành theo kỹ thuật công nghệ cao với sự tham gia của 50 chuyên gia cao cấp nước ngoài. Kết quả đem lại lợi nhuận rất lớn và vị tiến sĩ này đã trở thành Chủ tịch, cổ đông chính của một hãng hàng không tư nhân mới đi vào hoạt động.
 
Rồi những câu chuyện như “bầu” Đức tuyên bố sẽ từ bỏ bất động sản vào năm 2014 để dồn sức trồng cao su, hay bà Thanh Hương quyết định đầu tư lớn cho nuôi bò sữa ở Nghệ An nhằm đưa TH Milk lên tầm khu vực cũng rất đáng lưu tâm. Những minh chứng đó cho thấy, giới doanh nhân là một động lực không nhỏ, góp phần đưa nông nghiệp cất cánh.

http://www.lpvn.vn/van-de-su-kien/doanh-nhan-se-gop-phan-dua-nong-nghiep-cat-canh.html


BÀI VIẾT liên quan

TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...
Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG