ĐI TÌM LỢI THẾ CẠNH TRANH QUỐC GIA (NHỊP CẦU ĐẦU TƯ)
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ, đăng trên Báo Nhịp cầu đầu tư ngày 27/02/2012. Dệt may là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam nhưng cũng đứng hàng thứ hai về nhập khẩu (nguyên phụ liệu dệt may).
Dệt may là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam nhưng cũng đứng hàng thứ hai về nhập khẩu (nguyên phụ liệu dệt may).
Một ngày cuối năm Tân Mão, trên chuyến bay từ Huế ra Hà Nội, tôi tình cờ đọc được bài báo trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cung cấp các thông tin về tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2011. Trong đó có đưa ra 2 biểu đồ kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cho 10 nhóm hàng lớn nhất. Tôi giật mình khi so sánh thấy ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may đạt 12,8 tỉ USD thì nguyên phụ liệu dệt may đứng thứ hai ở biểu đồ nhập khẩu với 11,3 tỉ USD (sự so sánh này chỉ mang tính tương đối). Điện thoại cho anh bạn bên Tập đoàn Dệt May Việt Nam thì được xác nhận chủ yếu xuất khẩu dệt may là may gia công và hầu như 100% nguyên liệu, phụ liệu đều được nhập từ nước ngoài.
Như vậy, với ngành hàng xuất khẩu lớn nhất, đất nước thu được những gì? Câu trả lời đơn giản chỉ là giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động đang nai lưng làm việc tại các nhà máy gia công (chủ yếu là của nước ngoài). Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng đáng là bao, khi chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào không đáng kể. Đó là chưa kể đến tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp nước ngoài nhằm trốn thuế.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn ra ngày 24.11.2011 cũng đưa tin: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thống kê, Việt Nam hiện có 1.872 cụm công nghiệp được quy hoạch trên diện tích 76.000 ha. Trong đó, 918 cụm đã được thành lập với diện tích 40.600 ha. Tuy nhiên, diện tích đang đưa vào sử dụng cho thuê chỉ 7.500 ha. Tức chiếm chưa đầy 19% diện tích đã đầu tư và 10% diện tích quy hoạch.
Như vậy, liệu chúng ta có nên tiếp tục chuyển đổi hàng trăm ngàn hecta đất nông nghiệp để xây các khu công nghiệp, chứng kiến hàng triệu nông dân mất ruộng, lên thành phố làm thuê? Cái giá đó có đáng để đổi lấy kết quả thu được như trên không? Hay là chúng ta đang rơi vào bẫy năng suất kém hay bẫy thu nhập trung bình mà Giáo sư Kenichi Ohno, Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật) đã cảnh báo: “Không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động không có kỹ năng. Các ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng. Không tạo ra được các giá trị trong nước, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải bẫy thu nhập trung bình”.
Đâu là lợi thế cạnh tranh quốc gia?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết về đường hướng phát triển của đất nước nhân đầu năm 2012. Một loạt chỉ đạo phương hướng phát triển vĩ mô mới được Thủ tướng nêu ra, trong đó tôi đặc biệt quan tâm đến mục tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ. Ngành công nghiệp được Thủ tướng đặt lên hàng đầu, sau đó là dịch vụ và cuối cùng là nông nghiệp.
Vậy trong 3 ngành này, đâu là lợi thế cạnh tranh quốc gia của Việt Nam?
Đối với ngành công nghiệp, từ khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã đưa ra chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Sau gần 40 năm ngành công nghiệp vẫn tụt hậu xa so với thế giới. Thủ tướng đã nhìn đúng vào vấn đề là cần phải “chuyển từ một ngành công nghiệp gia công lắp ráp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang phát triển các ngành chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao”. Nhưng liệu đó có phải là hướng đi mũi nhọn để phát triển đất nước hay không?
Muốn phát triển công nghiệp chế tạo có giá trị công nghệ cao, một quốc gia cần 2 yếu tố cơ bản: nguồn nhân lực có chất lượng và cơ sở hạ tầng tốt. Thế nhưng, ở cả 2 yếu tố này chúng ta đều thiếu và yếu. Christopher Twomey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), từng phát biểu: “Cần thúc đẩy và nâng cao trình độ nhân lực. Nếu nhân lực vẫn kém, không được đào tạo và thiếu trình độ, Việt Nam có thể sẽ mắc bẫy năng suất kém, làm hạn chế tính cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đối mặt với sự bất hợp lý và chậm trễ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng then chốt, đặc biệt là các tuyến cầu đường liên tỉnh”.
So với các nước lân cận cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan và Singapore, cơ sở hạ tầng của chúng ta tụt hậu từ 25-40 năm. Chất lượng nhân lực cũng thấp hơn hẳn. Vậy chúng ta có khả năng cạnh tranh nền công nghiệp công nghệ cao với họ trong trung hạn, thậm chí dài hạn hay không? Trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đồng thời với việc các hàng rào thuế quan lần lượt bị xóa bỏ thì việc hy vọng xây dựng những thương hiệu Việt cho ôtô, điện tử, hay thép để cạnh tranh với các nước lân cận là thiếu khả thi.
Khi tận mắt chứng kiến các nhà máy Trung Quốc sản xuất với quy mô khổng lồ (không chỉ sản xuất cho 1,3 tỉ dân Trung Quốc mà cho cả phần còn lại của thế giới) với phương châm “hiệu quả nhờ quy mô”, tôi mới vỡ lẽ tại sao giá bán sản phẩm cùng loại của họ khi mang sang Việt Nam còn rẻ hơn rất nhiều giá thành sản xuất của doanh nghiệp Việt.
Rồi đến chuyện vận tải. Một container 20’ ngói Secoin do chúng tôi sản xuất vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM, chẳng hạn, cước vận tải hết 15 triệu đồng, tương đương hơn 700 USD. Trong khi đó, khi mua ngói của Trung Quốc, tiền cước vận chuyển từ cảng Hạ Môn về cảng Sài Gòn (xa hơn 2 lần) chỉ 150 USD/container 20’, tức chỉ hơn 3 triệu đồng. Cạnh tranh sao nổi ngay từ giá thành sản xuất đến cước vận tải!
Mặt khác, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam rất yếu (có thể coi như không có). Vì thế, mới có chuyện gần 100% nguyên vật liệu, phụ kiện dệt may phải nhập khẩu, trong khi Trung Quốc hoàn toàn tự sản xuất được. Điều này cũng tương tự trong ngành chế tạo, lắp ráp ôtô hay điện tử.
Ngành dịch vụ cũng vậy. Tôi không đi sâu phân tích vì đơn giản đó là ngành mới phát triển ở Việt Nam, khi đất nước đi theo nền kinh tế thị trường. Và rõ ràng nó chưa bao giờ là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, kể cả trong trung và dài hạn.
Tình trạng đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ theo phong trào và “đầu tư bầy đàn” đã dẫn đến những kết cục đau lòng như thị trường chứng khoán rớt giá thê thảm, thị trường bất động sản đóng băng, để lại nhiều hệ lụy. Đã có 90% nhà máy xi măng và gạch men thua lỗ và nhiều nhà máy dự kiến phá sản; 30-40% doanh nghiệp thép được dự báo sẽ phá sản trong năm 2012; công nghiệp đóng tàu sụp đổ cùng với con tàu đang chìm Vinashin... Tất cả đã đẩy nền kinh tế rơi vào tình cảnh khó khăn hiện nay.
Việc đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ là đúng. Vấn đề ở chỗ là nên chọn ngành nào để tập trung phát triển và coi nó như lợi thế cạnh tranh quốc gia. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần phải xác định mình sẽ là ai trong thế giới này.
Ngành được xếp cuối cùng trong các mục tiêu tái cơ cấu của Thủ Tướng là nông nghiệp. Tôi tự hỏi vì sao lại xếp cuối, mà không phải là đầu. Ngẫm lại so với các nước lân cận, ở mảng nông nghiệp, chúng ta có nhiều lợi thế hơn hẳn. Thái Lan chỉ có đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu giống như đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta để phát triển lúa gạo và cây ăn trái, chứ họ không có vùng cao nguyên như Tây Nguyên để phát triển các cây công nghiệp như cà phê, điều. Thái Lan cũng không có đủ 4 mùa như miền Bắc Việt Nam để trồng chè hay các loại cây ăn trái, các loại cây dược liệu của xứ lạnh hay các loại thủy sản của xứ lạnh… Hơn nữa, chúng ta có đến 70% dân số sống bằng nông nghiệp từ bao đời nay. Đó là nguồn tài sản vô cùng lớn về kinh nghiệm trong nông-lâm-ngư nghiệp.
Đầu ra cho nông nghiệp thì không phải lo, vì an ninh lương thực đang là vấn đề nóng bỏng toàn cầu. Năm 2011, giá gạo đã tăng 30%, bắp tăng 35%, lúa mì tăng 50%... Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng (trận lũ lụt tại Thái Lan vào cuối năm ngoái là một ví dụ). Diện tích nông nghiệp trên thế giới cũng đang ngày càng bị thu hẹp, làm ảnh hưởng đến lượng cung ứng lương thực, thực phẩm. Năm 2011 dân số thế giới là 7 tỉ người, nhưng đến năm 2050, con số này sẽ là 9 tỉ. Rõ ràng, nhu cầu lương thực là rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp được các nước ưa chuộng. Philippines, Indonesia, chẳng hạn, đều mua gạo của Việt Nam. Trung Quốc thì chuộng cao su Việt Nam và mua thủy hải sản, nông sản với khối lượng lớn. Có thể lấy thêm ví dụ về một ngành trồng trọt chưa được quan tâm là cây dược liệu. Nhu cầu cây dược liệu mỗi năm của Trung Quốc là 2 tỉ USD, trong khi lợi thế về thổ nhưỡng, địa hình và khí hậu cho phép Việt Nam trồng rất nhiều loại dược liệu quý để phục vụ cho thị trường khổng lồ này.
Vậy có nên chăng khi chúng ta coi nhẹ sở trường (nông nghiệp) để quá tập trung vào sở đoản (công nghiệp và dịch vụ)?
Vì sao nông nghiệp chưa thể cất cánh?
Trong một chuyến về Tiền Giang và Bến Tre gần đây để xem bà con nông dân nuôi trồng thủy sản, dọc từ thành phố Bến Tre về Bình Đại, tôi thấy các cây cầu nhỏ đến nỗi chỉ một xe con đi lọt. Như vậy, làm sao các xe container, tải trọng lớn về được. Đã gần 40 năm sau ngày giải phóng, nhưng nông thôn vẫn chưa thể phát triển. Trong khi đó, dọc bên đường lô nhô các khu công nghiệp. Ngoài một số nhà máy chế biến thủy sản và dệt may gia công, các khu đất còn lại đều bị bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu. Nông dân thì mất đất, mất việc. Đành rằng vẫn phải phát triển các khu công nghiệp nhưng có nhất thiết tỉnh nào cũng phải lấy đất của dân để mở khu công nghiệp, sân golf, khu du lịch sinh thái, rồi sân bay cho mỗi tỉnh?
Lại nói về lao động nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê, cứ 1 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi thì 10 nông dân mất việc làm. Tính đến nay, chỉ sau 5 năm đã gần 1 triệu nông dân mất việc và ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu người. Đi các vùng nông thôn từ miền Bắc vào đến miền Trung và miền Nam, ở đâu cũng nói khan hiếm lao động. Hóa ra thanh niên học xong (thậm chí chưa xong) là chạy hết về các đô thị lớn hay các khu công nghiệp để đi làm với đồng lương rẻ mạt. Tới vụ gặt hay thu hoạch tôm, cá, cần đến người thì không thuê được ai cả, vì ở nông thôn chỉ toàn là người già và trẻ em. Thanh niên đi vào các thành phố lớn không chỉ vì đồng lương mà còn vì hạ tầng ở nông thôn quá nghèo nàn, cả về kinh tế lẫn văn hóa, giải trí, giáo dục, y tế…
Vì thế, cần xem lại chính sách đầu tư cho nông thôn và nông nghiệp để làm sao giữ được người nông dân gắn bó với ruộng đồng. Bên cạnh đó, với một nền nông nghiệp mang nặng tính tự phát, Chính phủ cần hoạch định chính sách vĩ mô để phát triển nông nghiệp. Chúng ta cũng cần có những chính sách để bảo hộ nông nghiệp và bảo vệ người nông dân. Câu chuyện ở Úc năm 2010 là một ví dụ. Năm đó, Úc gặp phải trận bão lụt lớn, tàn phá hết vùng nông nghiệp trồng chuối. Ngay lập tức Chính phủ Úc cấm nhập khẩu chuối để giúp nông dân trồng chuối hồi phục. Khi đó giá chuối lên tới 13 đô la Úc/kg nhưng sau khi hồi phục, giá chuối hạ xuống chỉ 2 đô la Úc/kg.
Mặt khác, cần phải hiện đại hóa nông nghiệp với hàm lượng chất xám cao. Phát biểu trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 17.11.2011, Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho rằng đầu tư cho khoa học kỹ thuật nông nghiệp của cả nước trung bình chỉ khoảng 30 triệu USD/năm là quá thấp so với các nước. Không chỉ cần hiện đại hóa, cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi mà việc đầu tư cho công nghiệp chế biến sau thu hoạch cũng hết sức cần thiết. Bởi lẽ, hiện tại 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam là dưới dạng thô.
Chúng ta cần học tập mô hình của Israel. Chỉ sau 10 năm đầu tư cho nông nghiệp kỹ thuật cao, Israel đã đi từ một đất nước chỉ toàn sa mạc khô cằn trở thành nhà xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu. Mô hình phát triển nông nghiệp của New Zealand, Úc, Hà Lan, gần chúng ta hơn là Thái Lan cũng rất đáng để học tập.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp cũng cần được coi trọng. Chúng ta chỉ muốn con cái mình theo học những nghề “cao sang” như tài chính hay xây dựng, kiến trúc sư, chứ mấy ai muốn con mình theo cái nghề mà theo quan niệm xưa là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chắc chắn Trường Đại học Bách khoa, Ngoại thương được đầu tư nhiều hơn Trường Đại học Nông nghiệp!
Vai trò tiên phong của giới doanh nhân trong đầu tư cho nông nghiệp cũng quan trọng không kém. Không thể chỉ trông chờ vào Chính phủ vì thực tế đã minh chứng các chính sách của Chính phủ thường đi sau thị trường. Vào đầu năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đã tuyên bố sẽ từ bỏ bất động sản vào năm 2014 để dồn sức cho cây cao su. Hay như bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, đơn vị đầu tư tài chính cho dự án nhà máy sữa TH Milk có vốn đầu tư lên tới 1,2 tỉ USD (24.000 tỉ đồng), đã đầu tư nuôi bò sữa ở Nghệ An với quy mô lớn nhằm đưa Công ty TH Milk ra thế giới. Những nỗ lực như vậy của giới doanh nhân sẽ góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam cất cánh.
Tôi mường tượng đến một ngày không xa, khi về các vùng quê Việt Nam là những con đường cao tốc chạy dài, hai bên đường là những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay, những đầm tôm, đầm cá hiện đại. Những nông dân Việt Nam một nắng hai sương ngày nào sẽ chạy xe hơi Nhật, lướt iPad để kiểm tra giá gạo xuất khẩu. Còn ở nước ngoài, công nhân hãng Boeing ở Mỹ sẽ ăn gạo Đồng Tháp, kỹ sư Công ty Honda ở Nhật ăn rau sạch An Giang và tôm Bến Tre hằng ngày, các nhân viên của Ngân hàng HSBC ở London nghiện cà phê Buôn Ma Thuột… Hoàn toàn khả thi lắm chứ ! Hãy bắt đầu từ những thứ mình đang có!
BÀI VIẾT liên quan
TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG