CẢM NHẬN 2012

Thứ hai, 31/12/2012 | 07:05 GMT+7
Hàng loạt bong bóng đã xẹp. Có thể nhận định năm 2012 là đỉnh điểm của sụ đổ vỡ của các trào lưu kinh doanh. Đây là hệ lụy của việc đầu tư theo phong trào kiểu “bầy đàn” của rất nhiều năm trước đây. Trước hết có thể kể đến bong bóng bất động sản mà người ta đang muốn quả bóng này từ từ xì hơi chứ không nổ tung kéo theo những hậu quả nghiêm trọng của nền kinh tế. 

Bong bóng chứng khoản cũng đã xẹp tới mức không thể hơn được nữa. Các chỉ số VN-Index và HNX-Index đã nói lên tất cả. Hình ảnh hoạt động của hơn 100 Công ty chứng khoán cũng phản ảnh rõ nét bộ mặt của thị trường. Một số định chế tài chính dự đoán trong 2-3 năm tới số các Công ty chứng khoán này chỉ còn tồn tại tối đa ở con số 5 ! Sự bùng nổ của các Ngân hàng trong những năm trước đây thì năm nay mới bộc lộ rõ những nguy hiểm đặc biệt về việc sở hữu chéo. Làn sóng sáp nhập, thâu tóm ngân hàng đang diễn ra và bộ mặt của ngành ngân hàng Việt nam có lẽ chỉ định hình sau 3-5 năm tới. Hàng loạt các tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng như tư nhân thua lỗ trầm trọng. Bong bóng tập đoàn đa ngành-đa nghề cũng đã xịt chứ không “trăm hoa đua nở” như các năm trước đây ! Rồi hàng loạt các bóng bóng khác như khoáng sản, sắt thép, nhà máy xi măng, thủy điện, … và cả “đầu tư cho bóng đá” nữa cũng đã xì hơi trong năm 2012. Điểm tích cực trong câu chuyện này là sau những đổ vỡ, Chính phủ và giới doanh nghiệp cũng đã định hình lại được con đường đi của mình để quay về hoặc tìm tới các giá trị cốt lõi của chính mình.

Sản xuất, kinh doanh đình đốn nghiêm trọng, nợ xấu ở mức đáng báo động

Con số hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động đã nói lên tất cả. Đi vào các khu công nghiệp hoạt động mạnh trước đây thì thấy rõ sự giảm sút trong sản xuất là hết sức nghiêm trọng. Doanh nghiệp gánh nợ lớn, hàng tồn kho cao, công nhân thất nghiệp do thiếu việc làm,… Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Câu chuyện các ông chủ nước ngoài bỏ trốn xuất hiện thường xuyên trên báo chí. Không chỉ sản xuất công nghiệp, những ngành thuộc về thế mạnh của Việt Nam như nuôi trồng thủy sản cũng ở tình trạng thua lỗ, thiệt hại lớn. Không ít các đại gia lớn ngành này đã phá sản. Các ngành thương mại, dịch vụ cũng ở tình trạng tương tự. Đi đâu trong giới doanh nghiệp các từ được nghe nhiều nhất là lỗ, nợ, vay, đóng cửa,… Nền kinh tế bước sang năm 2013 phải đối mặt với 2 hiểm nguy: nợ xấu ngân hàng tăng cao và nợ xấu của khách hàng bất động sản sẽ bùng phát.

Xuất khẩu tăng, kìm được tỷ giá và lần đầu xuất siêu

Trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn thì con số xuất khẩu cả năm đạt mức 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011 và đóng góp tới 30% vào tăng trưởng GDP chung của cả nước là  rất đáng khích lệ. Tuy vậy, chiếm chủ yếu trong doanh thu xuất khẩu này lại là hàng gia công, tài nguyên và nguyên liệu. Chính vì vậy hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu rất thấp. Mặt khác chúng ta lần đầu tiên xuất siêu 284 triệu USD sau 20 năm nhưng đó là vì nhu cầu tiêu dùng giảm sút và hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ nên nguyên vật liệu nhập khẩu sụt giảm. Và đó cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng trong năm qua. Với nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất tất yếu sẽ giảm theo (lạm phát cả năm ở mức 6,81%). Khi đó chúng ta sẽ phải đối mặt với một thời kỳ giảm phát mà còn nguy hại hơn cả lạm phát.

Điều hành kinh tế vi mô của chính phủ chưa hiệu quả

Việc chính phủ tập chung qua nhiều cho đầu tư công không hiệu quả cũng như giải quyết bài toán giữa kìm lạm phát và tăng trưởng kinh tế không nhất quán và logic, rồi câu chuyện điều hành kinh doanh vàng, lãi suất,… đã làm giảm hiệu quả trong điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ so với các giai đoạn trước đây. Điểm sáng ở đây là Thủ tướng đã công khai xin lỗi trước Quốc hội và toàn dân về những yếu kém trong điều hành của Chỉnh phủ thời gian qua. Tuy vậy, cuối năm các giải pháp mà chính phủ đưa ra thật sự chưa là liều thuốc tốt cho nền kinh tế. Không thể cứu bất động sản mà trông chờ vào kiều hối hay bằng chính sách giảm lãi suất cho người mua nhà – đó được ví như chỉ là liều thuốc giảm đau khi trị bệnh ung thư mà thôi ! Giờ đây không phải lúc chính phủ đưa ra biện pháp kích cầu, xóa nợ, giãn nợ, giảm thuế hay tín dụng giá rẻ nữa mà là lúc tập chung cải cách, chống tham nhũng, lợi ích  nhóm và tái cơ cấu kinh tế. Cần phải chấp nhận việc các doanh nghiệp yếu kém (kể cả các tập đoàn Nhà nước) phải phá sản. Chỉ có vậy mới hy vọng làm lành mạnh nền kinh tế.

Lộ rõ tác động của các nhóm lợi ích

Năm 2012 là năm lộ rõ nhất bộ mặt và tác động của các nhóm lợi ích. Không chỉ bị chỉ mặt, điểm tên và ngăn chặn mà một số nhân vật “ông trùm” trong các số này đã rơi vào vòng lao lý như vụ Bầu Kiên và các nhân vật chủ chốt của ngân hàng ACB. Không chỉ trong ngành ngân hành, các nhóm lợi ích thao túng trong lĩnh vực khác như bất động sản, khoáng sản,… cũng đã lộ diện. Tác động của các nhóm lợi ích này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Giảm sút niềm tin và sự lạc quan

Niềm tin và sự lạc quan về viễn cảnh của nền kinh tế và sự điều hành của chính ohủ giảm sút nghiêm trọng so với các năm trước đây. Đây là điểm rất nguy hiểm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Một hình ảnh đơn giản chúng ta chứng kiến hàng loạt nhà hàng đóng cửa do vắng khách, các siêu thị sụt giảm doanh thu rất nhiều so với mọi năm là minh chứng không chỉ cho sự khó khăn của người dân mà còn là tâm lý lo ngại không dám tiêu dùng. Một khi người dân giữ chặt túi tiền không dám chi tiêu, doanh nghiệp co lại không đầu tư sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế rất khó để gượng dậy.

Khó khăn nhất là người lao động

Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm lao động, đồng tiền ngày càng mất giá mà đồng lương không tăng, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao,… những tác động đó ảnh hưởng mạnh nhất là người lao động. Những câu chuyện về bữa ăn cũng như sinh hoạt của công nhân xuất hiện không ít trên báo trong năm qua đã báo động về tình cảnh của người lao động hiện nay.

Đạo đức xã hội đi xuống

Cũng như mọi cuộc khủng hoảng kinh tế ở trên thế giới, bao giờ điều đó cũng đi kèm với việc gia tăng những tệ nạn xã hội. Chưa năm nào mà trên báo chí, mạng internet xuất hiện nhiều các câu chuyện về cướp của, giết người, xù nợ, rồi công nhân bỏ con,…nhiều như năm nay. Bên cạnh đó nạn tham nhũng ngày càng trở nên nghiêm trọng đã tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế.

Làm sóng M&A lớn bắt đầu hình thành

Như một qui luật tất yếu, cái chết bao giờ cũng là khởi đầu của sự sống mới. Khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo sự thay đổi của các ông chủ trong các công trình, dự án. Năm 2012 một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu nhảy vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mua bán và sáp nhập. Và khi giá đất, giá nhà, giá nhà máy trở nên rẻ như cho không hoặc các ông chũ cũ đều trả lại dự án cho ngân hàng thì chắc chắn từ năm 2013 là cơ hội tuyệt vời cho các ông chủ mới nhảy vào cuộc.

Tóm lại, năm 2012 là một năm đầy ảm đạm đối với nền kinh tế. Tuy vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào thì chính phủ hay giới doanh nghiệp cũng sẽ tìm ra lối thoát. Vấn đề chỉ là thoát nhanh hay chậm mà thôi. Để kết, tôi xin lấy tâm sự của một kiến trúc sư nổi tiếng người Hà Lan đã sống lâu năm ở Việt Nam nhận xét: người Việt Nam như một cây tre, trong gió bão họ rất dễ nghiêng ngả nhưng rất khó đổ sụp, chính sự mềm dẻo, linh hoạt của cây tre đó sẽ giúp họ tìm ra lối thoát trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Sài Gòn, 31/12/2012

Đinh Hồng Kỳ


BÀI VIẾT liên quan

TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...
Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG