BÀI HỌC GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG (THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)
Bài viết của Ông Đinh Hồng Kỳ, đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 13/11/2014. Mấy ngày nay rộ lên câu chuyện một người Việt bị lừa khi mua iPhone 6 ở một cửa hàng ở Singapore. Vị du khách người Việt với mức lương tháng 200 USD đã phải quỳ xuống khóc lóc xin được hoàn lại tiền trong sự giễu cợt của chủ cửa hàng cho đến khi được trả lại một phần tiền. Hình ảnh một đất nước Singapore văn minh và kỷ cương đã phần nào bị tổn thương.
Mấy ngày nay rộ lên câu chuyện một người Việt bị lừa khi mua iPhone 6 ở một cửa hàng ở Singapore. Vị du khách người Việt với mức lương tháng 200 USD đã phải quỳ xuống khóc lóc xin được hoàn lại tiền trong sự giễu cợt của chủ cửa hàng cho đến khi được trả lại một phần tiền. Hình ảnh một đất nước Singapore văn minh và kỷ cương đã phần nào bị tổn thương. Nhưng rồi chính những người dân Sing đã tự lấy lại hình ảnh của mình bằng cách kêu gọi quyên góp trên mạng để ủng hộ lại anh người Việt đã bị lừa kia. Bài học giải quyết khủng hoảng của người Sing thật tuyệt vời khi hình ảnh của họ phần nào bị hoen ố thì bằng một hành động đẹp họ không chỉ lấy lại mà còn nâng thêm tầm cho đất nước. Sự việc nhỏ thôi nhưng các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như đài BBC (Anh Quốc) hay tạp chí Straits Times cũng phải đưa tin về câu chuyện này. Sau hết, dưới con mắt của thế giới câu chuyện này đã để lại một hình ảnh một đất nước Singapore nhân bản còn Việt Nam chúng ta có chút gì đó đáng thương!
Tháng trước trang web Sleepinginairports về du lịch quốc tế đã đánh giá hai sân bay lớn nhất Việt nam là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Tp.HCM) nằm trong top 10 sân bay tồi tệ nhất thế giới. Người ta tranh luận nhiều nhưng phải công bằng mà nói nếu xét so với bối cảnh chung của đất nước so với thế giới thì đánh giá này cũng là dễ hiểu. May thay chúng ta không cần phải giải quyết khủng hoảng cho câu chuyện sân bay thì đã có người khác giúp. Trang BusinessInsider vừa công bố Việt Nam là 1 trong 20 nước được đánh giá là đáng sống nhất thế giới. Thú vị là các “thiên đường” thực sự trên thế giới như Mỹ hay các nước ở Tây Âu hay Bắc Âu không lọt vào top 20 này!
Tuy vậy nếu đọc kỹ thì họ chỉ đánh giá chúng ta đáng sống vì có nhiều danh lam thắng cảnh và đồ ăn ngon. Chắc chắn nếu chúng ta không tự giải quyết các câu chuyện như vào bệnh viện chữa bệnh bằng phong bì, rồi cảnh sát giao thông nhận mãi lộ trên mọi nẻo đường, rồi các học trò phải “nuôi” thày cô bằng cách học thêm đến 9-10h đêm, … thì chắc chắn những đánh giá kia chỉ mang lại sự khôi hài mà thôi.
Cách đây vài ngày một sự kiện khủng hoảng nổ ra khi một công ty Mỹ Bio-Rad Laboratories Inc. đã phải nộp phạt cho chính phủ Mỹ khoảng 55 triệu USD để giải quyết cáo buộc hối lộ quan chức y tế tại ba nước trong đó có Việt Nam. Nhớ lại trong thời gian gần đây những câu chuyện tương tự đã diễn ra như vụ Công ty Securency và Note Printing Australia của Úc đã phải ra tòa vì những cáo buộc hối lộ tại Việt Nam để nhận được hợp đồng in tiền polymer. Hay như vụ tòa án Nhật bản đã đưa ra tòa công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) bị cáo buộc tội hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Vấn đề là khi phát giác ra những hành vi thiếu minh bạch của các doanh nghiệp của mình tạo ra một hình ảnh xấu cho đất nước thì chính phủ các nước này đã xử lý thế nào với các sự kiện khủng hoảng. Thay vì coi những doanh nghiệp này đã đem lại những nguồn thu về cho nước họ thì họ cần doanh nghiệp làm ăn một cách đúng pháp luật. Chính phủ Mỹ, Úc và Nhật trong các câu chuyện trên đã muốn chứng minh với thế giới rằng họ không chỉ minh bạch trong đất nước họ mà họ yêu cầu doanh nghiệp của họ minh bạch trên toàn cầu. Qua đó tạo một hình ảnh tốt đẹp cho đất nước và chính phủ họ.
Quay lại chúng ta, Việt Nam, đã xử lý các câu chuyện khủng hoảng này như thế nào? vì sao các vụ hối lộ này xảy ra tại Việt Nam mà Việt Nam không phát hiện được mà chính phủ các nước kia lại tìm ra? Khi đã phát hiện ra chúng ta đã xử lý triệt để chưa hay dần để vào trôi lãng. Chúng ta phải làm thế nào để cải thiện hình ảnh của một đất nước mà WEF xếp hạng về chi phí ngoài pháp luật và hối lộ đứng thứ 109 trong 144 nước được đánh giá!
Sài Gòn, 06/11/2014
Đinh Hồng Kỳ
BÀI VIẾT liên quan
TP.HCM không thể giữ vị trí dẫn đầu kinh tế, nếu...Ngập rác
Cộng sinh và tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn : Hành trình tới Net-Zero
NHỮNG CƠ HỘI ĐẶC BIỆT TỪ COVID -19
XÃ HỘI HÓA VACCINE
TẦM NHÌN GIẢI CỨU
LỰA CHỌN CỦA DOANH NHÂN
THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ
CON BUÔN VÀ CON CƯNG