MUỐN TIÊN PHONG THÌ PHẢI CÓ TRI THỨC VÀ BẢN LĨNH (Doanh nhân Sài Gòn Online)

Thứ tư, 06/04/2022 | 06:17 GMT+7
Ngày 30/11/2021, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin đã có chia sẻ về Secoin và chuyện những người trẻ, những startup, những hội nhóm của doanh nhân, doanh nghiệp với Báo Doanh nhân Sài Gòn Online  

Vừa thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin, vừa giữ chức Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VBM), Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), ông Đinh Hồng Kỳ đã có nhiều đóng góp cho doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và cộng đồng. 

Trong những ngày tất bật với trạng thái "bình thường mới" cho cả doanh nghiệp và công tác hội đoàn, ông Đinh Hồng Kỳ vẫn dành cho tôi hai tiếng đồng hồ để chia sẻ nhiều vấn đề về Secoin và chuyện những người trẻ, những startup, những hội nhóm của doanh nhân, doanh nghiệp.

* Bên cạnh nhiệm vụ của một chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn, ông còn giữ vị trí quan trọng tại hai hội đoàn doanh nghiệp, có lẽ công việc rất bận rộn...

- Trước đây, tôi dành 100% thời gian cho hoạt động doanh nghiệp của mình, tập trung vào "cơm áo gạo tiền" của bản thân và cán bộ, công nhân viên Secoin. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, có lẽ do tuổi tác, tôi lại nghĩ khác hơn, rằng mình có thể dùng kinh nghiệm và các mối quan hệ đang có để tham gia vào các hiệp hội, không chỉ là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM mà còn là hiệp hội trong ngành xây dựng để mong góp chút trí tuệ, sức lực cho giới doanh nhân nói chung và doanh nhân, doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng nói riêng.

Mặt khác, sau thời gian sống và làm việc tại nước ngoài, tôi thấy rằng xây dựng một hội hay hiệp hội không đơn thuần như nhiều người vẫn nghĩ, hội tức là "hội hè” để chia sẻ tinh thần, cao lắm có thể kết nối kinh doanh. Với các nước phát triển, hiệp hội còn có thể phát triển thành nghiệp đoàn với vai trò, quyền hạn khá lớn, có tiếng nói quan trọng với hội viên và đại diện cho ngành, có tiếng nói quan trọng với giới chức, với chính quyền địa phương, kể cả chính quyền trung ương để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp. Với nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi thì việc xây dựng hội, hiệp hội thiết thực, vững mạnh là rất cần thiết và các tổ chức này có thể trở thành nghiệp đoàn như các nước phát triển.

SACA chịu sự quản lý nhà nước về ngành của Sở Xây dựng TP.HCM, nhưng từ chủ tịch đến thành viên đều là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Khi tham gia vào hiệp hội có bề dày lịch sử và sự bảo trợ của Nhà nước, tôi và các doanh nhân khác rất muốn đưa tổ chức này phát triển theo hướng nghiệp đoàn, vừa mang lại những giá trị thiết thực cho hội viên, vừa có tiếng nói quan trọng với chính quyền và ngành xây dựng.

* Vậy làm sao để cân bằng công việc giữa Secoin và hai hiệp hội cùng lúc, thưa ông?

- Công việc của tôi tại doanh nghiệp rất bận với việc vận hành 7 nhà máy ở ba miền, làm việc với chuỗi cung ứng và đối tác không chỉ tại Việt Nam mà còn trên 60 quốc gia ở năm châu lục. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm 33 năm hoạt động và áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, tối ưu nhất nên công việc của người lãnh đạo tại Secoin không đến nỗi vất vả. Do đó, tôi có thể dành lượng thời gian nhất định cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động tại các hiệp hội và một số công tác xã hội, hỗ trợ cộng đồng.

Với tôi, việc cân bằng thời gian cho nhiều công việc một lúc nằm ở kế hoạch. Tôi từng cộng tác với nhiều người Nhật và rất thích phong cách làm việc của họ. Trước mỗi công việc, họ nghiên cứu rất kỹ để chuẩn bị cụ thể lộ trình thực hiện. Vì thế, khi bắt tay vào làm, nếu có thách thức hoặc rủi ro thì dễ dàng chủ động giải quyết. Tôi không làm nhiều việc cùng một lúc mà sắp xếp từng việc cụ thể, trong từng thời điểm nhất định với mức độ ưu tiên khác nhau.

* Vì thế mà chắc ông có kế hoạch phù hợp để Secoin "đứng vững" trong nhiều tháng đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp?

- Trong 7 nhà máy của Secoin thì có ba ở Hà Nội, hai ở Đà Nẵng, về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19. Song với hai nhà máy tại Dĩ An, Bình Dương, Bình Chánh (TP.HCM), công nhân của chúng tôi biến động lớn. Sau ngày 1/10/2021, khi thành phố cho phép sản xuất trở lại, nhà máy thiếu khoảng 25-30% nhân sự. Đến hiện tại, sau một tháng rưỡi khôi phục sản xuất, người lao động đã an tâm với chính sách lương thưởng và an toàn phòng, chống dịch của công ty nên chúng tôi không thiếu nhiều công nhân.

Trong năm 2020, khi thế giới chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19, chuỗi cung ứng của Secoin bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thị trường xuất khẩu của chúng tôi chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu. Thời điểm đó, các nước ấy đều thực hiện giãn cách xã hội và chi phí vận chuyển tăng hai ba lần, ngay cả việc thuê tàu chở hàng cũng không dễ dàng nên sản lượng xuất khẩu của chúng tôi giảm 35%.

Năm nay, khi thị trường các nước xuất khẩu bắt đầu phục hồi thì Việt Nam lại chịu ảnh hưởng rất lớn của đợt dịch lần thứ tư, việc sản xuất "ba tại chỗ” chỉ mang tính cầm chừng, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy vậy, từ tháng 10 đến nay, sản xuất và xuất khẩu của Secoin đã khá thông suốt. Nhà máy tại Bình Chánh có số đơn hàng xuất khẩu đã được đặt đến tháng 3/2022, nhà máy tại Bình Dương thì kín đến tháng 1/2022. Riêng thị trường trong nước, Secoin là đối tác chiến lược của các nhà phát triển bất động sản lớn, thị trường bất động sản đang phục hồi nên nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng với khối lượng lớn. Vì vậy, các nhà máy của chúng tôi phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

* Thưa ông, hiện ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đang phát triển rất nhanh và có nhiều tiềm năng trên thị trường xây dựng thế giới. Doanh nghiệp của ông và doanh nghiệp trong ngành cần làm gì để nắm bắt cơ hội này?

- Đúng là ngành xây dựng và vật liệu xây dựng của nước ta đang phát triển mạnh. Doanh nghiệp ngành này có đủ tiềm lực để xuất khẩu vật liệu sang nhiều nước và xây dựng được các công trình lớn ở nước ngoài. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổng giá trị của ngành vật liệu xây dựng đạt 22 tỷ USD, chiếm hơn 6,5% GDP của cả nước. Tuy nhiên, để có được những kết quả này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đánh đổi bằng việc tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên, khoáng sản và bỏ qua các vấn đề về môi trường.

Trong xu hướng bảo vệ trái đất hiện nay, thế giới đang quan tâm nhiều đến sản phẩm xanh, sản phẩm có thể tái chế. Để sản phẩm có thể nhập khẩu vào thị trường toàn cầu, doanh nghiệp nước ta bắt buộc phải thay đổi tư duy và cách sản xuất truyền thống. Bởi thị trường các nước không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá thành sản phẩm mà còn kiểm tra rất kỹ về các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động, bảo hiểm cho công nhân viên, thang bậc lương... Với ngành xây dựng, thị trường thế giới không chỉ mua sản phẩm mà đang mua cả hệ thống hoạt động của doanh nghiệp.

Vì thế, muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng nói riêng phải tự hoàn thiện hệ thống, thay đổi quy trình sản xuất càng xanh càng tốt và chủ động hòa nhập thị trường.

* Secoin là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam. Ông nghĩ sao về bản lĩnh người tiên phong?

- Theo tôi, tiên phong hay dẫn đầu luôn là một việc rất khó. Khi bước vào thị trường, đặc biệt là thị trường vật liệu xây dựng tôi đang theo đuổi, nếu đi vào lối mòn của những sản phẩm mà doanh nghiệp khác đã làm thì sự cạnh tranh sẽ rất cao và khả năng tồn tại thấp. Vì vậy, khi bắt đầu kinh doanh, tôi nghĩ phải hướng đến tìm loại sản phẩm mà Việt Nam không có hoặc đó là sản phẩm của tương lai. Có thể bước vào thị trường ngách, thị phần không nhiều nhưng cứ tập trung hết khả năng để khai thác và cố gắng đi tiên phong trong lĩnh vực đó thì kết quả sẽ khả quan.

Tiên phong vốn không dễ, để giữ vững vai trò, vị thế của người tiên phong lại càng khó hơn. Điều mà cả tôi, Công ty Secoin và những người tiên phong khác đang làm là nghiên cứu, cải tiến và tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng cao hơn, góp phần bảo vệ môi trường. Không thể phủ nhận là khi tiên phong thì khả năng thành công cao song rủi ro cũng rất lớn. Quan trọng là phải có bản lĩnh, dám chấp nhận rủi ro, dám đương đầu với khó khăn.

* Theo ông thì những người trẻ, những startup mới bước vào thị trường có nên chấp nhận rủi ro để trở thành người tiên phong?

- Nên. Rất nên! Nhưng tiên phong không có nghĩa là hành động như con thiêu thân, cứ lao vào ánh sáng mà không tính toán rủi ro. Muốn tiên phong thì phải có tri thức, phải biết nghiên cứu, đánh giá thị trường, biết phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và nhìn nhận được những cơ hội cũng như rủi ro trước khi thực hiện một việc nào đó.

Các bạn trẻ cũng như những người khởi nghiệp nên "biết mình biết ta" và kiên định theo đuổi con đường đã chọn. Thực tế cho thấy, hiện nay startup gần như trở thành một phong trào nhưng tỷ lệ thành công luôn ít hơn những startup đã thất bại. Theo tôi, khi khởi nghiệp, khi làm bất cứ việc gì hay muốn trở thành người tiên phong thì phải tâm huyết, phải tiên lượng được khó khăn, thuận lợi.

Có được những yếu tố đó thì trong quá trình thực hiện, nếu chẳng may gặp rủi ro thì đã có dự phòng để giải quyết được khó khăn.

* Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về giáo dục lẫn kinh doanh, điều đó đã ảnh hưởng đến quá trình lập nghiệp của ông như thế nào, thưa ông?

- Bố tôi là nhà giáo, trước đây ông muốn tôi theo đuổi con đường học hành để có được bằng cấp cao, nhưng tôi lại muốn tự kinh doanh. Sau thời gian sống và làm việc tại nước ngoài, tôi về nước và chuyển Secoin từ một doanh nghiệp gia đình, hoạt động thuần túy về dịch vụ sang doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Hiện tại, mỗi khi nghĩ đến kinh doanh, tôi lại mỉm cười, có lẽ là do cái duyên, cái nghiệp gắn tôi với sản xuất. Sản xuất là lĩnh vực khó khăn, gai góc, nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận không cao, song từ trẻ tôi đã muốn theo đuổi. Sự tiên phong của tôi và Secoin nhận được ủng hộ, động viên rất lớn từ gia đình. Bố mẹ tôi năm nay gần 90 tuổi, từ lâu đã không tham gia vào công việc của doanh nghiệp nhưng ông bà vẫn dõi theo từng bước đi của các con và luôn có những lời khuyên hữu ích cho tôi.

* Ông có muốn thế hệ tiếp theo, tức các con ông sẽ theo đuổi kinh doanh và duy trì doanh nghiệp của gia đình?

- Quan điểm của tôi là luôn muốn các con được sống cuộc đời của chính chúng. Tôi luôn muốn các con và các cháu được học tập, được giáo dục trong môi trường tốt nhất. Bởi tôi tin, bên cạnh gia đình thì môi trường giáo dục, đặc biệt là môi trường tại các nước phát triển sẽ giúp người trẻ có thể tiếp thu tri thức tốt, phù hợp để trưởng thành.

Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi thường đưa xuống nhà máy để chúng vừa tham quan vừa trải nghiệm môi trường làm việc của công nhân. Qua đó các con sẽ nhận thức đúng về giá trị của lao động, để biết những điều tốt đẹp mình đang có là nhờ sự nỗ lực, sự vất vả của những người thợ. Họ đã và đang góp phần tạo nên lợi nhuận chung của Secoin và lợi ích cho xã hội. Các con có thể sống và làm việc theo truyền thống gia đình, hoặc không, nhưng quan trọng là phải phù hợp với sở thích thì mới có hạnh phúc.

Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn Online - Ngày 30.11.2021


TIN BÁO CHÍ liên quan

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin: Tiên phong phát triển bền vững, hành trình tới Net Zero
Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin - Chinh phục khách hàng bằng giá trị của kỹ thuật - nghệ thuật và sự khác biệt
Hoa nở trên gạch - tạp chí FORBES Vietnam số 111, phát hành tháng 11/2022
HÀNH TRÌNH KHỞI NGHIỆP CỦA KĨ SƯ SẢN XUẤT GẠCH KHÔNG NUNG ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM (enternews.vn)
CÔNG TY GIA ĐÌNH LUÔN CÓ GIÁ TRỊ RIÊNG
DOANH NHÂN ĐINH HỒNG KỲ - BÃN LĨNH NGƯỜI TIÊN PHONG
"ÔNG VUA" CỦA GẠCH KHÔNG NUNG
NGƯỜI BẢO TỒN VIÊN GẠCH TRUYỀN THỐNG
ĐƯA GẠCH BÔNG TRỞ THÀNH HÀNG HIỆU
THƯƠNG HIỆU VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI: KHÓ NHƯNG PHẢI LÀM